Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh khuyết tật

Thay vì “cào bằng” học sinh học hòa nhập với các học sinh khác, việc kiểm tra, đánh giá học sinh khuyết tật phải được thực hiện một cách đa đạng, phong phú dựa trên năng lực cá nhân của mỗi em. Ðây là hoạt động đổi mới căn bản trong kiểm tra, đánh giá học sinh học hòa nhập. Cách làm này không chỉ đánh giá đúng quá trình tiến bộ của học sinh mà còn thể hiện tính nhân văn, công bằng trong giáo dục.​

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Giáo dục hòa nhập (GDHN) là nội dung rất quan trọng đối với trẻ khuyết tật. Vì đây là cơ hội để các em được phát triển một cách tốt nhất và cũng là môi trường giúp các em có kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

Trước đây, giáo dục học sinh khuyết tật được xem như một việc làm nhân đạo. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận cũ. Thực tế, học sinh khuyết tật được hưởng mọi quyền lợi theo đúng Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Người khuyết tật của Việt Nam. Trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, trong đó có ngành Giáo dục là phải đảm bảo cho học sinh khuyết tật được hưởng đầy đủ quyền lợi này. Vì vậy, các cấp quản lý giáo dục, mỗi cán bộ giáo viên cần có nhận thức đúng, quan điểm thống nhất trong việc thực hiện chương trình, tổ chức dạy học và các hoạt động, đặc biệt là kiểm tra đánh giá học sinh khuyết tật tham gia GDHN.


 Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh khuyết tật học hòa nhập đòi hỏi nhiều nỗ lực của giáo viên. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh.

Quá trình kiểm tra, đánh giá phải góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là trẻ khuyết tật được hòa nhập trong trường. Ðánh giá học sinh khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ÐT, học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục THCS, THPT được đánh giá, xếp loại theo các quy định như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Ðối với học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục THCS, THPT được đánh giá dựa trên sự nỗ lực, tiến bộ của học sinh và không xếp loại đối tượng này.

Nhà trường căn cứ vào dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của học sinh học GDHN để xét miễn giảm từng môn học hoặc từng nội dung của môn học như: học sinh khuyết tật nghe nói tùy theo mức độ có thể không học các môn ngoại ngữ, âm nhạc hoặc học sinh khuyết tật vận động không thực hiện các bài thể dục, phần thực hành môn giáo dục quốc phòng - an ninh...

Trong đánh giá học sinh khuyết tật tham gia GDHN phải nhìn nhận sự tiến bộ của học sinh ở mọi khía cạnh, mối quan hệ từ tâm tư tình cảm đến kỹ năng sống, mức độ hòa nhập với bạn bè, chứ không phải chỉ là kết quả các bài kiểm tra từng môn học.

Giáo viên tích cực, học sinh đỡ thiệt thòi

Theo thầy Lương Quang Dương (chuyên viên Phòng nghiệp vụ 1, Sở GD-ÐT), hiện nay, trung bình mỗi trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 học sinh khuyết tật tham gia học tập hòa nhập. Ðối với những học sinh này, giáo viên phải xây dựng một kế hoạch học tập riêng. Việc kiểm tra, đánh giá cũng phải căn cứ vào năng lực và quá trình hòa nhập của các em chứ không chỉ dựa vào những bài kiểm tra định kỳ, thông thường như những học sinh khác. Theo đó, việc đánh giá học sinh khuyết tật theo hướng nhẹ nhàng, thay thế bài kiểm tra tiêu chuẩn bằng các hình thức khác như: sản phẩm học tập, dự án học tập, đánh giá thông qua việc tham gia các hoạt động trong nhà trường, cộng đồng…

Cách kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất riêng của từng học sinh khuyết tật không chỉ giúp các em hòa nhập tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của các em mà còn phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thầy Nguyễn Văn Lượng, giáo viên Trường THCS Tân An (TP. Biên Hòa) chia sẻ: “Với chỉ đạo mới của Bộ GD-ÐT về việc kiểm tra, đánh giá học sinh khuyết tật thì đối tượng học sinh này sẽ được ưu tiên trong việc kiểm tra, đánh giá. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện một cách phong phú, không nhất thiết phải thông qua bài kiểm tra. Chẳng hạn, khi một học sinh học hòa nhập không thể làm được một bài kiểm tra mà giáo viên ra đề, giáo viên có thể yêu cầu học sinh đó làm một sản phẩm học tập tương ứng với nội dung môn học và đánh giá sự tiến bộ của học sinh dựa trên sản phẩm đó. Hay như trường hợp học sinh khuyết tật về ngôn ngữ gặp khó khăn trong môn đọc nhưng có thể viết tốt thì giáo viên sẽ ưu tiên cho học sinh này thi viết thay vì bắt buộc phải thi đọc; trong trường hợp học sinh viết quá chậm, giáo viên có thể cho thêm thời gian để viết… Bằng cách này, giáo viên đã tạo điều kiện để học sinh thể hiện được năng lực, mức độ tiếp nhận kiến thức của mình.

Hiểu rõ ý nghĩa của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với sự tiến bộ của các học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, các giáo viên tham gia dạy học hòa nhập cũng không khỏi “tâm tư”. Bởi lẽ, sĩ số học sinh mỗi lớp học hiện quá đông. Nếu làm bài kiểm tra tập trung theo cách thông thường thì giáo viên sẽ bớt cực. Nếu phải có những hình thức kiểm tra, đánh giá dành riêng cho học sinh khuyết tật thì khối lượng công việc của giáo viên lại tăng lên. Trong khi đó, việc dạy học cho đối tượng học sinh GDHN vốn đã đòi hỏi rất nhiều tâm sức. Ngoài ra, nhiều học sinh thuộc diện khuyết tật, gặp khó khăn trong học tập nhưng lại không được công nhận là khuyết tật (chủ yếu do gia đình không đồng ý làm các thủ tục liên quan) khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn trong công tác và chế độ giảng dạy.

H.Yến

Lê Hải Yến

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang