Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tạo việc làm cho lao động khuyết tật

Theo Sở LĐ-TBXH, từ năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, UBND tỉnh và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đã có hàng trăm lượt lao động khuyết tật được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật vừa giúp nhóm lao động này xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, vừa góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.​

Người khuyết tật làm việc nghiêm túc

Là một trong số hơn 100 doanh nghiệp đang có lao động khuyết tật làm việc, chị Nguyễn Thị Ngoan, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Fashion Garments (thuộc tập đoàn Hirdaramani - Sri Lanka, trụ sở tại KCN Biên Hòa 2) cho biết, vài năm gần đây, mỗi năm công ty tiếp nhận khoảng 20 lượt lao động khuyết tật tại Đồng Nai và một số tỉnh lân cận vào làm việc. Không chỉ “trao cần câu cơm” cho người khuyết tật, tùy theo mức độ, công ty ưu tiên sắp xếp công việc nhẹ nhàng, bố trí khu vực làm việc phù hợp cho lao động khuyết tật.

“Chúng tôi có thuận lợi là lãnh đạo công ty khuyến khích nhận người khuyết tật vào làm việc. Tất nhiên người đó phải đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định và phù hợp với đặc thù công việc của công ty. Đó là hai tay và chân trái khỏe mạnh, có giấy khám sức khỏe của các cơ sở y tế theo thẩm quyền. Riêng với lao động khuyết tật, công ty không áp đặt năng suất mà khuyến khích họ làm việc theo khả năng và điều kiện sức khỏe. Sau nhiều năm nhận lao động khuyết tật vào làm việc, chúng tôi nhận thấy, người khuyết tật làm việc chăm chỉ và ít nghỉ việc hơn. Năng suất gần hoặc tương đương lao động bình thường”, chị Ngoan nói.


Người lao động khuyết tật làm việc tại Công ty cổ phần Taekwang Vina industrial.

Chị Ngoan thông tin thêm, công ty hiện có 5 nhà máy ở Biên Hòa, Tân Phú, Cẩm Mỹ với tổng số lao động gần 7.500 người. Trung bình mỗi tháng công ty cần khoảng 100 - 200 lao động, gồm cả người khuyết tật đủ điều kiện làm việc. Về chế độ, ngoài trích nộp đầy đủ, kịp thời các loại bảo hiểm theo quy định, công ty mua bảo hiểm tai nạn của Tập đoàn dầu khí - PVI cho toàn thể người lao động với mức bồi thường từ 30 - 60 triệu đồng. Với gói bảo hiểm tai nạn này, người lao động được khám sức khỏe miễn phí ở các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn có các phúc lợi về tinh thần khác như được tham gia lớp yoga, sinh nhật hằng tháng, ngày hội gia đình, ngày hội thể thao; các chương trình thi đua sáng tạo, người đoạt giải nhất hội thi bàn tay vàng được đi du lịch nước ngoài, giải nhì và giải ba thì tặng xe máy. Công ty tặng từ 1 đến 5 chỉ vàng cho công nhân có thâm niên đủ 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 25 năm...

Cũng là doanh nghiệp thường xuyên nhận lao động khuyết tật vào làm việc, chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ nhân sự Công ty cổ phần Taekwang Vina industrial (KCN Biên Hòa 2) cho biết, hiện có hơn 300 lao động khuyết tật đang làm việc tại đây. Theo chị Hằng, đa phần họ đều làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và không có ý định nhảy việc khi thấy một công việc khác tốt hơn. Tuy nhiên, điều chị Hằng cũng như một số doanh nghiệp lo lắng là có người chỉ làm được vài ngày, vài tháng lại nghỉ. “Có thể do sức khỏe không đảm bảo, do ngại đi giám định tỷ lệ khuyết tật theo yêu cầu của công ty, nhưng cũng có phần do bản thân người khuyết tật chưa vượt qua mặc cảm”, chị Hằng nhấn mạnh.

Được biết, để nhận một lao động khuyết tật vào làm việc, các công ty phải mất nhiều thời gian đào tạo nghề theo từng dạng khuyết tật, sắp xếp công việc phù hợp, bố trí thời gian nghỉ ngơi... Tuy nhiên, một số trường hợp vì tự ti, mặc cảm nên họ chỉ gắn bó một thời gian ngắn. “Không chỉ riêng lao động khuyết tật, công ty mong muốn tất cả người lao động khi vào làm việc sẽ gắn bó lâu dài với công ty, với công việc”, chị Hằng bày tỏ.

Trách nhiệm và tình cảm

Luật Lao động hiện hành không bắt buộc các doanh nghiệp phải tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, tuy nhiên, bằng trách nhiệm và tình cảm, khoảng hơn 100 doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang tiếp nhận lao động khuyết tật. Có thể kể đến một số doanh nghiệp như: Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), Doanh nghiệp tư nhân Tam Hiệp Thành (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu); Công ty TNHH Fashion Garments (KCN Biên Hòa 2), Công ty cổ phần Taekwang Vina industrial (KCN Biên Hòa 2); Công ty TNHH Unipax (KCN Amata); Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Đức Tín Thành (TP. Biên Hòa)...

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong điều kiện kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Với khoảng 15 ngàn người khuyết tật trong độ tuổi lao động và có khả năng làm việc được thì đây là nguồn nhân lực khá lớn. Việc doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm đã giúp họ dần gỡ bỏ rào cản, vươn lên làm chủ cuộc sống, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Về phía trách nhiệm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ngoài kết nối người khuyết tật với các trường, trung tâm, cơ sở đào tào nghề, còn là việc hỗ trợ giới thiệu người khuyết tật vào các doanh nghiệp làm việc.

Tích cực hỗ trợ lao động khuyết tật

Theo Sở LĐ-TBXH, hai năm trở lại đây, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các trường, trung tâm dạy nghề đã tổ chức dạy nghề và hỗ trợ vốn cho gần 450 lao động khuyết tật với số tiền trên 2,2 tỷ đồng; khoảng 90 lao động khuyết tật được đào tạo nghề từ nguồn kinh phí hỗ trợ lao động khuyết tật học nghề của tỉnh. Các nghề phổ biến là massage, may công nghiệp, chăn nuôi gia cầm và một số nghề thủ công khác. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho khoảng 60 lao động khuyết tật và hơn một nửa trong số đó được doanh nghiệp nhận vào làm việc.

B. Mai

Nguyễn Thị Lộc

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang