Đồng Nai : Cổng thông tin điện tử

https://dongnai.gov.vn


Chủ động thích ứng, tìm cách đưa làng nghề “vượt bão”

(CTT-Đồng Nai) Dưới tác động của “cơn bão” suy giảm kinh tế của toàn cầu thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tại các địa phương phải đối mặt với những khó khăn về thị trường, số lượng đơn hàng sụt giảm…. Nhiều cơ sở phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động vì khó tìm đầu ra.

Các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai tham gia trưng bày tại một triển lãm, hội thảo kết nối vùng Đông Nam bộ
Các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai tham gia trưng bày tại một triển lãm, hội thảo kết nối vùng Đông Nam bộ

Trước bối cảnh đó, các cơ sở làng nghề đang phải tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu để “vượt bão”, giữ chân khách hàng. Trong các làng nghề truyền thống ở Đồng Nai, có 2 làng nghề nổi tiếng trong khu vực và cả nước là gốm và gỗ mỹ nghệ.

Ông Hứa Mỹ Chiêu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu gốm Phong Sơn (Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho hay, tình hình xuất khẩu các loại gốm đen, gốm trang trí gặp nhiều khó khăn trong hơn 1 năm trở lại đây. Riêng nửa đầu năm nay, sản lượng hàng xuất khẩu sụt giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động, lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu nên người dân ở các thị trường này tập trung tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm không thiết yếu như gốm, sứ giảm mạnh.

Trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm làng đã chủ động các phương án để đa dạng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí là sản phẩm chất lượng, giá tốt, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tìm kiếm đối tác, phát triển các thị trường mới. Bởi, thực tế hiện nay, nhiều làng nghề trong tỉnh mới chỉ chú ý đến việc đưa sản phẩm đi xuất khẩu thông qua việc bán sỉ cho các đại lý, doanh nghiệp phân phối hàng xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Tâm, chủ cơ sở gốm đen Tâm Phát (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, phần lớn sản phẩm của cơ sở được cung ứng cho các DN về xuất khẩu rồi từ đó mới xuất đi các thị trường trên thế giới. Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, việc kết nối, xúc tiến giao thương, mở rộng thị trường có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cơ sở cũng mong muốn có những cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần lưu giữ, bảo tồn sản phẩm này hiệu quả, từ đó góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của gốm đen nói riêng và gốm Biên Hòa nói chung…

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường xuất khẩu, trong những năm qua, tỉnh cũng chú trọng công tác hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất làng nghề đổi mới công nghệ, từng bước thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị cạnh tranh.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 nhằm hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi số trong DN nhỏ và vừa, trong đó có nhiều DN sản xuất sản phẩm làng nghề có thế mạnh thông qua việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai (Sở Công thương), trong năm 2022, công tác khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 9 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để năng cao năng lực cạnh tranh…

Tác giả: Nam Hữu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây