(CTT - Đồng Nai) - Từ nay đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ (KHCN); chủ động nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế với yêu cầu hội nhập quốc tế. Để đạt được những mục tiêu trên, KHCN đóng vai trò rất quan trọng.
Đầu tư xây dựng nhiều trung tâm, khu công nghệ
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo (ĐMST) để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, các lĩnh vực. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động KHCN và ĐMST; xây dựng hệ thống thông tin KHCN theo hướng chuyển đổi số.
Tỉnh Đồng Nai ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Đồng Nai ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Giám đốc Sở KHCN Lại Thế Thông cho hay, thời gian qua, Sở KHCN và các sở, ngành liên quan đã làm việc trực tiếp với các địa phương trong tỉnh nhằm hình thành các hệ sinh thái ĐMST liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu. Tức là mỗi địa phương sẽ dành một khoảng không gian phù hợp để phục vụ cho hoạt động ĐMST của địa phương mình. Trọng tâm của hệ sinh thái này là khởi nghiệp, tạo cơ sở cho hoạt động ĐMST thông qua các câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ thành lập Khu Trung tâm ĐMST với diện tích 300 ha tại huyện Long Thành. Trung tâm này có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn giáo dục đào tạo, KHCN quốc tế nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN. Xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, triển khai các nền tảng, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới.
Theo lãnh đạo Sở KHCN, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã đi học tập mô hình ĐMST ở các nước để có thể áp dụng cho Đồng Nai. Dĩ nhiên, để đạt được các mục đích và đưa KHCN thực sự trở thành động lực của sự phát triển thì yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ KHCN có đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, trọng tâm là các lĩnh vực đột phá của tỉnh.
Tỉnh cũng đã quy hoạch để xây dựng Khu công nghệ cao với quy mô 497 ha tại huyện Cẩm Mỹ với mục tiêu thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như: công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo… Xây dựng hạ tầng kết nối khu công nghệ cao với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái liên kết, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo.
Tận dụng lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hình thành Khu Công nghệ thông tin tập trung với quy mô 100 ha đặt tại huyện Long Thành. Mục tiêu nhằm tập trung thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế.
Nỗ lực thực hiện
Nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng KHCN, theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai, tỉnh sẽ xây dựng khối nhà làm việc cho Trung tâm KHCN và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; xây dựng Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ tỉnh Đồng Nai; xây dựng Trung tâm Chiếu xạ tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu KH-CN, ứng dụng vào sản xuất.
Tiến sĩ Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KHCN cho biết, tỉnh đang xin ý kiến của Trung ương để mở rộng, chuyển đổi Khu Công nghệ cao Công nghệ sinh học Đồng Nai từ 200 ha thành Khu Công nghệ cao Đồng Nai có quy mô 497 ha để tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trao giải cho các cá nhân đạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Trao giải cho các cá nhân đạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm Robot công nghiệp tỉnh Đồng Nai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các hoạt động ĐMST, đào tạo kỹ thuật, nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực robot công nghiệp và tự động hóa.
“Giai đoạn trước, tỉnh dự kiến thành lập Trung tâm Robot đặt tại Trường đại học Lạc Hồng nhưng ngân sách nhà nước không thể đầu tư cho một đơn vị bên ngoài. Mặt khác, khi thành lập trung tâm thì phải có bộ máy, con người, có viện, trường đáp ứng yêu cầu. Do đó, trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ thành lập Trung tâm Robot Đồng Nai, nơi mà các viện, trường sẽ cùng các doanh nghiệp đầu tư để tận dụng được nguồn trang thiết bị chung phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo. Tỉnh kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ này” – ông Lại Thế Thông nói.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó có tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, đảm bảo nguồn lực chi đối với lĩnh vực sự nghiệp KHCN và đổi mới hạ tầng KHCN. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu triển khai, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các kết quả KHCN.
Triển khai quy hoạch và xây dựng khu ĐMST, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh theo hướng phát triển toàn diện. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện cho các trường đại học, các đơn vị hoạt động KHCN đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN.
Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hình thành sàn giao dịch công nghệ của tỉnh, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và quốc tế. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó đẩy mạnh phát triển các tổ chức môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ.