(CTT-Đồng Nai) - Bộ NN-PTNT vừa sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Tuy trong quá trình triển khai còn những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhà văn hóa của dân tộc thiểu số tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ
Nhà văn hóa của dân tộc thiểu số tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ
Trong đó, Đồng Nai tiếp tục là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước.
Đồng Nai đi trước
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến nay, toàn quốc có hơn 6 ngàn xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ hơn 73,6% trên tổng số xã), tăng 11,3% so với cuối năm 2020. Tính đến nay, cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 263 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, trên cả nước có khoảng 1,5 ngàn xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh Đồng Nai không chỉ đi đầu của cả nước trong xây dựng NTM mà còn luôn giữ vững thành tích này trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Để đạt được thành quả ấn tượng trên, ngay từ khi triển khai phong trào xây dựng NTM, Đồng Nai đã chọn giải pháp có tính đột phá. Cụ thể, ngay từ năm 2014 khi xây dựng được 15 xã đạt chuẩn NTM đầu tiên; Đồng Nai đã chủ động, kịp thời xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao vào năm 2015; ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu vào năm 2019 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn cả về lý luận và thực tiễn.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lê Văn Gọi cho biết, khi các tỉnh khác đang xây dựng xã NTM, thì Đồng Nai đã thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trên cơ sở nền tảng đó, đến nay, toàn tỉnh có 96/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 21/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tỉnh đang phấn đấu có 2 huyện đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2023, có 1 huyện đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Tỉnh cũng đã luôn tích cực nhân rộng những cách làm hay, sáng kiến mới trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động luôn được chú trọng để thực sự khích lệ được người dân chung tay, đóng góp, vận động xây dựng NTM. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã đạt 64,67 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực và cả nước.

Xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu thay áo mới nhờ xây dựng nông thôn mới
Xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu thay áo mới nhờ xây dựng nông thôn mới
Tạo đột phá bằng cách mạng tư duy
Đến nay, phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM tiếp tục tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu. Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM đã được ban hành đầy đủ, kế hoạch vốn đầu tư được giao cho các địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn này, tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy tối đa giá trị nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng trong chỉ đạo để giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nhờ việc triển khai bài bản, toàn diện mà chương trình đã vượt kế hoạch đề ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Góp ý cho chương trình NTM từ nay đến năm 2025 về mục tiêu phát huy vai trò của nông dân trong phát triển sản xuất, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất cần nỗ lực phát triển đồng đều giữa các địa phương thông qua tổ chức dự án xã hội, đặc biệt quan tâm đến phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Vì hiện 1/3 sản phẩm OCOP là do hộ nông dân kinh doanh, vì vậy cần liên kết sản xuất và chuỗi giá trị, tiếp cận hệ thống siêu thị nhằm đảm bảo đầu ra cho các nông hộ nhỏ.
Định hướng cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, người nông dân trước giờ vẫn luôn chủ động gia tăng sinh kế, cải thiện đời sống, vì vậy Nhà nước cần quan tâm xây dựng nền tảng kỹ thuật, hạ tầng, kiến thức… để người dân có thể tận dụng tối đa nguồn lực. Xây dựng NTM là cách mạng về tư duy nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao vị thế người nông dân. Đây là việc không dễ làm vì không có thước đo, không dễ thành công ngay trước mắt. Đề nghị các địa phương xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ… Đây là tư duy lấy cộng đồng làm gốc, kêu gọi sáng kiến từ địa phương đẩy mạnh sản xuất, du lịch, khuyến nông, san sẻ gánh nặng và đồng hành cùng tham gia quản lý, xây dựng NTM bền vững, lành mạnh.