Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đổi thay nơi vùng đất Xuân Thành

Là xã thuần nông, hạ tầng giao thông chưa phát triển, đất đai lại bạc màu, nguồn nước phục vụ cho sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên những năm trước đây ở xã Xuân Thành (H.Xuân Lộc), nông dân rất khó chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị sử dụng đất, nâng cao thu nhập.

Tuyến đường tỉnh 766 được đầu tư nâng cấp để thuận tiện việc kết nối giao thông giữa xã Xuân Thành với các xã lân cận và huyện
Tuyến đường tỉnh 766 được đầu tư nâng cấp để thuận tiện việc kết nối giao thông giữa xã Xuân Thành với các xã lân cận và huyện

Tuy nhiên, những năm gần đây, địa phương đã có chính sách khuyến khích tạo việc làm, giải quyết nông nhàn, thất nghiệp nên thu nhập, đời sống của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao.

* Khi nông dân đổi đời

Ông Trịnh Quang Sáng (82 tuổi, Bí thư Chi bộ xã thời kỳ 2001-2004, khi địa phương chưa có Đảng bộ) kể lại, từ năm 2010 trở về trước, nói đến Xuân Thành thường nhắc đến những cái khó mà địa phương đang đối diện như: đường - trường - trạm, đời sống kinh tế, nhất là nông nhàn.

“Ngoài cây tràm làm nguyên liệu, các cây trồng khác như: bắp, lúa, mì, điều là cây trồng chính. Nghề chăn nuôi dê, bò, heo, gà… tuy có phát triển nhưng còn ở diện nhỏ lẻ, chăn nuôi theo kiểu kinh tế hộ gia đình nên thu nhập không cao, nhất là nông dân phải chịu cảnh nông nhàn kéo dài gần 6 tháng trong năm. Do thu nhập của người dân còn thấp, bình quân chỉ đạt dưới 10-15 triệu đồng người/năm nên địa phương không thể mạnh được” - ông Sáng cho biết.

Chính vì vậy, thời kỳ còn làm Bí thư Chi bộ xã, ông Sáng và các lãnh đạo xã rất trăn trở trong việc tìm giải pháp giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân từ đất đai, giải quyết vấn đề nông nhàn, nhưng gặp vướng bởi thiếu vốn, trình độ dân trí còn hạn chế, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện…

Năm 2010, phong trào xây dựng nông thôn mới được khởi động khắp nơi trong huyện, tỉnh, xã Xuân Thành từng bước được huyện, tỉnh quan tâm đầu tư về điện - đường - trường - trạm, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, phát triển dịch vụ, đào tạo nghề cho người dân…

Nông dân Phạm Thiên Đức (ngụ ấp Tân Hoa, xã Xuân Thành) có 2,5 ha trồng hoa màu (dưa, bầu, bí, rau ăn lá) cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm bày tỏ, đất tốt mấy nếu không biết cách cải tạo thì cũng bạc màu. Nhờ học các kỹ thuật cải tạo đất, chăm sóc cây trồng, nông dân nơi đây có thể tự canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Xác định xây dựng nông thôn mới lấy người dân làm trung tâm nhưng người dân của địa phương còn ở điểm xuất phát khá thấp so với các xã lân cận nên chính quyền xã Xuân Thành mạnh dạn xây dựng chủ trương liên kết, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn xã, huyện để tạo việc làm, giới thiệu lao động địa phương.
“Chúng tôi tạo mọi điều kiện và gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động khi về địa phương tuyển dụng. Song song đó, khuyến khích họ trong việc ưu tiên nhận lao động địa phương trong mọi độ tuổi khi người lao động có nhu cầu cần tìm việc làm, tổ chức xe đưa đón, tạo điều kiện gửi con em. Nhờ vậy, vấn đề thất nghiệp, nông nhàn được giải quyết triệt để” - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành Lê Thị Nhung bày tỏ.

* Tìm hướng đi mới

Xã Xuân Thành nằm giữa các khu, cụm công nghiệp của H.Xuân Lộc và xã Nam Hà (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), thời gian qua địa phương cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp về địa bàn đầu tư như: 28 trang trại chăn nuôi lớn và vừa (quy mô trên 5,5 triệu con gia súc, gia cầm); 429 đơn vị kinh doanh thương mại - dịch vụ; 6 cơ sở chế biến… Tuy vậy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành Phạm Hồng Phong cho rằng, cần đột phá mạnh mẽ hơn nữa để địa phương “cất cánh”, đời sống người dân nâng cao, không còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Theo ông Phạm Hồng Phong, địa phương tận dụng lợi thế nằm giữa các khu, cụm công nghiệp của H.Xuân Lộc và xã Nam Hà (H.Đức Linh) khi các tuyến đường giao thông liên kết xã với các vùng được huyện, tỉnh ưu tiên đầu tư để tập trung phát triển dịch vụ như: thương mại, nghỉ dưỡng, nhà trọ. Còn về nông nghiệp, phát triển theo hướng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, các vùng chuyên canh cây ăn trái năng suất cao như: xoài, mít, cao su, rau ăn lá và nuôi thủy sản.
“Nhờ các giải pháp tổng thể trong việc khắc phục những khó khăn, bất lợi do xuất phát thấp của địa phương về hạ tầng, đời sống, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng…, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm và Xuân Thành cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao nên diện mạo địa phương có nhiều khởi sắc so với trước” - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành Lê Hồng Phong phấn khởi cho biết.

Tuyến đường tỉnh 766 và các tuyến: Tân Hữu - Trảng Táo, Xuân Trường - Trảng Táo, Xuân Thành - Suối Cao - Xuân Bắc… kết nối các ấp trong xã Xuân Thành với nhau và với các xã lân cận như: Xuân Bắc, Xuân Trường, Suối Cao (H.Xuân Lộc), Nam Hà (H.Đức Linh) được nhựa hóa và mở rộng, cùng với hệ thống trường - trạm đạt chuẩn quốc gia không chỉ tạo cho xã Xuân Thành diện mạo mới, phá thế biệt lập mà trong các khu dân cư cũng sáng, đẹp, sung túc hơn khi xuất hiện nhiều tuyến đường nông thôn mới, ngày càng nhiều nhà cửa được xây dựng khang trang.

Tuy vậy, theo Trưởng ấp Tân Hợp, xã Xuân Thành Tống Thị Hường, đó không chỉ là vẻ đẹp, sự thay đổi bên ngoài khi ngắm nhìn và so sánh Xuân Thành hôm nay với 10-15 năm về trước. Nó còn là sự đổi thay rất lớn trong tư duy, đời sống nhân dân như: không còn hộ nghèo, không ai thất nghiệp, con em người dân đi học không chỉ vì kiến thức mà còn tìm cơ hội việc làm có thu nhập cao để về giúp đỡ gia đình, xây dựng địa phương phát triển.
Năm 2022, toàn xã Xuân Thành có gần 6 ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (chiếm trên 55% dân số toàn xã), trung bình mỗi năm địa phương giới thiệu việc làm cho trên 350 lao động. Hiện tất cả người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã đều có việc làm. Riêng người quá tuổi lao động ngoài tham gia sản xuất nông nghiệp, còn tìm kiếm việc làm từ nhận đan lát, gia công hạt điều tại nhà…
Quỳnh Thư

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang