Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nâng ý thức người dân trong bảo vệ môi trường

Quá tải chất thải rắn sinh hoạt không chỉ gây sức ép lớn cho chất lượng môi trường và sinh hoạt cộng đồng mà còn khiến cho bài toán thu gom, vận chuyển, xử lý rác trở nên nan giải hơn. Để giải bài toán này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ các ngành chức năng cũng như mỗi người dân.

Tăng phân loại, tái chế, tái sử dụng các chất thải để giảm áp lực cho xử lý, chôn lấp là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay
Tăng phân loại, tái chế, tái sử dụng các chất thải để giảm áp lực cho xử lý, chôn lấp là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay

Trong nhiều giải pháp, theo các chuyên gia về môi trường, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với môi trường và cộng đồng đi đôi với xử phạt nghiêm là hai giải pháp quan trọng để mỗi người dân thay đổi, chuyển dần ý thức sang hành động, thiết lập thói quen bảo vệ môi trường.

* Giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp

Theo Sở TN-MT, mỗi ngày trên địa bàn Đồng Nai phát sinh hơn 2 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó lượng rác phát sinh tại các khu vực đô thị khoảng 992 tấn, khu vực nông thôn 862 tấn. Lượng rác thu gom được hơn 1,7 ngàn tấn. Khối lượng rác này được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý, hiện tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý khoảng 15% (tương đương 151 tấn/ngày).

Để giảm áp lực cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, chôn lấp CTRSH, từ năm 2006, Đồng Nai đã ban hành quy hoạch quản lý CTRSH. Năm 2008, tỉnh tiến hành thí điểm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (RTTN) và nhân rộng toàn tỉnh. Tuy nhiên, với khối lượng hơn 2 ngàn tấn/ngày và lượng rác tăng bình quân 5%/năm khiến bài toán quản lý, hạ tầng xử lý và hoạt động phân loại RTTN đang ngày một khó khăn.

Hiện nay, Đồng Nai đang hoàn thành dự thảo đề án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh với các mục tiêu nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý CTRSH, tiến đến hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phân loại rác; huy động nguồn xã hội hóa để giảm chi ngân sách nhà nước.

Với lượng CTRSH đang gia tăng nhanh, hiện công suất xử lý ở các khu xử lý của Đồng Nai đáp ứng được hoạt động xử lý CTRSH, bao gồm dự trù mức phát sinh thực tế khoảng 50% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, để giảm sâu lượng rác phải chôn lấp, tỉnh đang khuyến khích các đơn vị quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ xử lý triệt để chất thải, hướng đến không phải chôn lấp, dù là chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó đặc biệt khuyến khích các dự án đốt rác phát điện.

Bên cạnh giải pháp xử lý thì giảm lượng CTRSH phát sinh là vấn đề rất quan trọng. Một trong những giải pháp mà Đồng Nai đang nỗ lực là tiếp tục thực hiện việc phân loại RTTN.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH do HĐND tỉnh vừa tổ chức, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, thời gian tới, ngành sẽ triển khai quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó yêu cầu bắt buộc phân loại RTTN tại các hộ gia đình và tính phí rác thải theo khối lượng. Theo đó, những hộ nào phân loại, lượng rác tái chế sau phân loại sẽ được thu gom miễn phí, nếu không sẽ phải trả phí thu gom cho toàn bộ lượng rác thải ra.

Ông Đức cũng cho biết, sắp tới Đồng Nai sẽ tiến hành “bán” bao bì đựng rác (loại dễ phân hủy) với giá ưu đãi cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lớn, nhỏ tùy theo lượng rác. Đơn vị thu gom chỉ thu gom, vận chuyển những bịch rác đựng trong loại bao bì này, nhằm tránh tình trạng “né” phí thu gom, đem rác vứt bừa bãi.

Tất cả các giải pháp trên đều phục vụ cho mục tiêu mà dự thảo đề án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đề ra. Đó là: duy trì tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt sau xử lý dưới 15%; bảo đảm 80% phương tiện thu gom và 100% phương tiện vận chuyển được chuẩn hóa. Cải tạo, nâng cấp các trạm trung chuyển chất thải theo tiêu chuẩn kỹ thuật; thực hiện phân loại RTTN hiệu quả trong toàn tỉnh; các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh không sử dụng túi ny-lông khó phân hủy…

* Phạt nặng người vứt rác bừa bãi

Trước thực trạng người dân vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định xử phạt đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định và tăng dần mức phạt. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tràn lan do thiếu sự giám sát cũng như thiếu kiên quyết đối với người vi phạm.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền và rà soát lại hoạt động của những tổ cộng tác viên thu gom rác gắn với kiểm tra, nhắc nhở…, thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đào Đại Gia cho biết, Long Khánh đã là thành phố loại II nên bộ mặt của thành phố rất được chăm chút. Thời gian qua, thành phố đã đặt nhiều thùng rác trên các tuyến phố chính, những khu vực đông dân cư, đồng thời tăng cường vận động người dân đăng ký và nộp phí thu gom rác đầy đủ, đem rác ra đúng giờ để đơn vị thu gom đến lấy, nếu quá giờ thu gom, các hộ dân không được mang rác ra đường.

Còn tại TP.Biên Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các phường, xã tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi xả rác thải sai quy định gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân bỏ rác đúng nơi quy định góp phần xây dựng nếp sống đô thị văn minh.

Thời gian qua, thành phố đã yêu cầu các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình trạng vứt rác bừa bãi bằng việc lắp camera quan sát và đã phạt nóng, phạt nguội một số đối tượng vứt rác không đúng nơi quy định. Cũng theo ông Lộc, thành phố đang tăng cường vận động người dân hạn chế sử dụng bao bì là ny-lông tại các chợ, cửa hàng, cửa tiệm nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa ra môi trường, tiếp tục thực hiện phân loại RTTN và tham gia phong trào chống rác thải nhựa.

Bảo vệ môi trường là hoạt động gắn liền với chất lượng cuộc sống, với sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng; là bộ mặt văn minh của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Do đó, ngoài những giải pháp mang tầm quốc gia thì hành động nhỏ của mỗi người dân góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và duy trì sự bền vững của môi trường.
Đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, tùy vào tính chất hành vi mà người vi phạm bị xử phạt theo các mức từ 1-2 triệu đồng (theo Điều 20 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24-5-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Lam Khuê

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang