Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Khoa học - công nghệ phải thực sự hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Trung ương khóa XI và Kế hoạch 155 của Tỉnh ủy về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực KH-CN trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội. 

img3-14-6-2022-hung.jpg

Hội nghị cập nhật chính sách, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp cho nông dân H.Tân Phú

Cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ KH-CN. Qua đó, nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của đề tài, tránh lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này.

Nhiều đổi mới

Với chủ trương phát triển KH-CN hướng về cơ sở, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, công tác nghiên cứu KH-CN thời gian qua đã tập trung vào các sản phẩm cụ thể nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của sản phẩm. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm thực hiện.

TS.Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho hay, công tác quản lý và hoạt động KH-CN đã đổi mới theo hướng xóa bỏ cơ chế xin - cho, đổi mới quy trình đăng ký, xét duyệt, tuyển chọn, phê duyệt, giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Phát huy mô hình Hội đồng tư vấn xét duyệt thuyết minh, giám định, tổng kết đề tài theo mô hình 3.3, gồm các nhà khoa học ở Đồng Nai và 2 Trung tâm khoa học lớn ở TP.HCM và Hà Nội.

Giai đoạn 2011-2022, kinh phí UBND tỉnh đầu tư cho phát triển KH-CN là hơn 854,3 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 587,6 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư phát triển được bố trí là hơn 633,2 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 478,1 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng cân đối bố trí hơn 25,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, dự án KH-CN.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực, đặc biệt của doanh nghiệp cho phát triển KH-CN. Từ 2016-2020, tỉnh đã huy động được hơn 29,4 tỷ đồng từ người dân và các cá nhân làm chủ nhiệm đề tài, hơn 104,3 tỷ đồng từ các doanh nghiệp để đầu tư cho KH-CN.

Đến nay, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp KH-CN, 6 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; 41 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và được cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao đã nâng cao giá trị thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm và với khách hàng. Những doanh nghiệp đạt được chứng nhận công nghệ cao khẳng định lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, tìm đối tác, đơn hàng trong nước, nước ngoài.

Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng các quy trình quản lý chất lượng và công cụ năng suất trong giai đoạn 2016-2020 đạt 84,9%, góp phần giảm chi phí không mong muốn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trên lĩnh vực KH-CN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, tiềm lực KH-CN, đặc biệt là nguồn nhân lực KH-CN là yếu tố then chốt cho sự phát triển KH-CN nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói chung.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3,3 ngàn người có trình độ sau đại học. Đội ngũ này đã và đang có nhiều đóng góp cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến. Đồng thời, làm nòng cốt trong việc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao thu nhập; tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống.

Liên quan đến vấn đề nhân lực KH-CN, PGS-TS.Huỳnh Thị Gấm, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia khu vực 2 TP.HCM cho rằng, không chỉ nhân lực chất lượng cao trong sản xuất kinh doanh mới quan trọng mà nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ quản lý cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, lãnh đạo có tâm, có tầm mới có những quyết sách, chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển. Do vậy, tỉnh Đồng Nai cần chú trọng hơn vấn đề này.

Ngoài vấn đề nhân lực, những năm qua, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN trên địa bàn. Cuối năm 2015, tỉnh đã thành lập Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc Sở KH-CN. Từ năm 2020 thành lập Trung tâm KH-CN trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm trực thuộc Sở KH-CN. Trung tâm đã được tăng cường trang thiết bị, đáp ứng chức năng nhiệm vụ được giao, có đủ năng lực thực hiện kiểm định, thử nghiệm được các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa theo quy định.

img4-14-6-2022-hung.jpg

Trao giải cho các thí sinh đạt giải các hội thi liên quan đến KH-CN tỉnh Đồng Nai

Để nâng cao hơn nữa tiềm lực KH-CN trên địa bàn tỉnh và đưa lĩnh vực KH-CN của tỉnh phát triển xứng tầm với sự phát triển chung của tỉnh, theo TS.Mai Thành Phụng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Chủ tịch Hội Làm vườn phía Nam, ngành KH-CN Đồng Nai cần nhìn thẳng vào thực tế để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để đưa ra những quyết sách phù hợp.

“Phải tập hợp được các chuyên gia đầu ngành của các ngành chiến lược, kể cả chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Cần phải thay đổi cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực chất lượng cao. Khi đã thu hút được nhân lực chất lượng cao rồi thì phải tận dụng được sức của họ. Sở KH-CN Đồng Nai cần đẩy mạnh liên kết với các Sở KH-CN mạnh trong cả nước, các Viện, Trường, nhà khoa học, doanh nghiệp… để triển khai các đề tài, giải pháp, sáng chế phục vụ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng là người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương"- TS.Phụng nói.


Bảo Ngọc

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang