Theo
công văn số 1705/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo căn cứ ý
kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư
xây dựng đường Vành đai 3-TP.HCM, Bộ KH-ĐT tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM rà
soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, xây dựng Tờ trình của
Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của
pháp luật.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục làm việc để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3-TP.HCM.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng
Bộ KH-ĐT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của
Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo quy hoạch, đường Vành đai
3-TP.HCM có chiều dài hơn 89km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm: Long An,
TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả
thi dự án do UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 1 của dự án đường
Vành đai 3- TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế,
tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành hai bên quy mô mỗi bên bố
trí tối thiểu hai làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án được khái toán
khoảng hơn 75,3 ngàn tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách trung ương
hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, tương đương hơn 38,7 ngàn tỷ đồng. Phần vốn còn lại
hơn 36,6 ngàn tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả
thi dự án, UBND TP.HCM cùng các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội được áp dụng
một số cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ. Theo đó, nếu
được Chính phủ và Quốc hội thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 3-2023, hoàn
thành cơ bản vào năm 2025 và chính thức vận hành năm 2026.
Dự án đường Vành đai 3-TP.HCM được
triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án
đi qua mà còn cho khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Phan Anh