(CTT-Đồng Nai) - Đến nay, Đồng Nai thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng sản xuất nông nghệp nên tỉnh rất chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư phát triển giống cây trồng.

Vùng trồng trái cây đặc sản có nguồn giống chất lượng cao tại thành phố Long Khánh. Ảnh: Song Lê
Vùng trồng trái cây đặc sản có nguồn giống chất lượng cao tại thành phố Long Khánh. Ảnh: Song Lê
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 11444/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất.
Nhiều lợi thế thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 630 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi và giống lâm nghiệp gồm 48 DN, 582 hộ kinh doanh. Tổng sản lượng hàng năm cung ứng ra thị trường gần 10,6 ngàn tấn hạt giống; 5,6 triệu cây giống nông nghiệp; 230 triệu cây giống lâm nghiệp.
Sản xuất giống cây nông nghiệp thu hút nhiều DN đầu tư. Cụ thể, toàn tỉnh có 422 DN, cơ sở sản xuất giống cây nông nghiệp với nhiều giống chất lượng, như: Sầu riêng Dona, các dòng ca cao giống, bắp lai, giống rau các loại,… Trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đầu tư phát triển vào các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có 10, DN, cơ sở sản xuất giống chuối cấy mô. Trong đó, có 6 cơ sở có phòng nuôi cấy mô với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu cây giống/năm.
Tỉnh cũng thu hút nhiều cơ sở đầu tư vào sản xuất giống lâm nghiệp với 140 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo lai. Trong đó có 1 đơn vị ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống keo lai với quy mô sản xuất 20 triệu cây giống/năm. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 1,3 triệu cây giống lâm nghiệp các loại.
Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút cả DN trong nước và các DN, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vốn cho công tác nghiên cứu, phát triển về giống cây trồng.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Trong Kế hoạch về triển khai thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỉnh ưu tiên bảo tồn các nguồn gen như: trà Phú Hội, thần xạ hương, các loài lan 1 lá, ươi rừng, bưởi đường lá cam; cung cấp nguồn gen và cơ sở dữ liệu khoa học nhằm phục vụ nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Khảo nghiệm các giống cây trồng mới như: bơ Hass, thanh long vỏ vàng, dứa MD2, chanh dây và một số giống tiềm năng khác mà thị trường thế giới ưa chuộng. Xây dựng các vườn ươm cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm; tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho cả lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp theo hướng tăng dần theo từng năm.
Trong đó, nhiều DN, tập đoàn sản xuất giống trên địa bàn tỉnh quan tâm đâu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tiêu biểu như công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu tại xã Long An (H.Long Thành) là DN có vốn đầu tư từ Đài Loan, có thế mạnh nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là giống cây hoa, rau màu… DN này sản xuất cây giống cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, nhất là thị trường nội địa vẫn còn rất giàu tiềm năng. Nguồn giống cung cấp đa dạng từ rau ăn lá, ăn trái nhiệt đới đến các loại rau ôn đới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa đề xuất dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Đặc biệt chú trọng triển khai công tác khuyến nông; các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, giao thương về giống trong và ngoài tỉnh. Công tác quản lý nhà nước; thông tin, tuyên truyền; thanh, kiểm tra và thiết lập cơ sở dữ liệu về giống… cũng được chú trọng.
Về ứng dụng trong sản xuất, 100% diện tích trồng mới và tái canh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận.