(CTT-Đồng Nai) - Năm 2022, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 khai giảng khóa đào tạo nghề cắt gọt kim loại trong khuôn khổ Chương trình Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển (Chương trình PAM). Có 50 học viên tham gia khóa học này, trong đó 11 người đã được tuyển dụng sang làm việc tại Đức và được doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Đó là một vài tín hiệu vui mà Chương trình PAM mang lại.
Tiến sĩ Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức và tiến sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và quốc tế Lilama 2 ký kết về việc hỗ trợ phòng thực hành tiếng Đức tại Trường Lilama 2
Tiến sĩ Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức và tiến sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và quốc tế Lilama 2 ký kết về việc hỗ trợ phòng thực hành tiếng Đức tại Trường Lilama 2
Nhiều hướng đi sau tốt nghiệp Chương trình PAM
Chương trình PAM do Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) hợp tác cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Trong khóa học thí điểm đầu tiên (khai giảng tháng 3-2022), có 50 học viên đủ tiêu chuẩn được tham gia khóa đào tạo. Các học viên được miễn 100% học phí và nhận học bổng 39 euro/tháng. Riêng học viên nữ được nhận học bổng 79 euro/tháng. Khóa học kéo dài trong 1,5 năm, bao gồm các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, tiếng Đức và văn hóa Đức.
Kết thúc khóa đào tạo, có 43 học viên tốt nghiệp, được cấp bằng trung cấp nghề của Việt Nam. Trong đó, 14 học viên tiếp tục học lên cao đẳng trong lĩnh vực cắt gọt kim loại. Có 11 học viên đã được DN Đức tuyển dụng sang Đức làm việc; 18 học viên tham gia vào thị trường lao động tại Việt Nam. Các học viên của Chương trình PAM đã tham gia thị trường lao động tại Việt Nam và Đức như những lao động lành nghề trong lĩnh vực cắt gọt kim loại, DN không phải đào tạo lại số học viên này.
Mô hình đào tạo Chương trình PAM có sự tham gia của các đối tác khác nhau, trong đó phải kể tới sự tham gia của các DN tại Việt Nam và DN tại Đức. Điều này góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cho các học viên có cơ hội tốt hơn tham gia vào thị trường lao động tại Việt Nam và Đức.
Tiến sĩ Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, tham quan nơi thực hành nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2
Tiến sĩ Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, tham quan nơi thực hành nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2
Mong muốn Chương trình PAM tiếp tục được triển khai
Trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 mới đây, tiến sĩ Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) đã kết nối trực tuyến với các học viên tốt nghiệp Chương trình PAM đang làm việc tại Đức để tìm hiểu về những thuận lợi, khó khăn khi làm việc tại Đức. Buổi kết nối trực tuyến có sự tham gia của cả DN Đức đang tiếp nhận lao động Chương trình PAM; đại diện Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo nhà trường.
Ông Michael Müller, chủ một công ty ở Đức, đã tuyển dụng 2 lao động nữ Việt Nam tốt nghiệp từ Chương trình PAM vào làm việc, đánh giá tốt năng lực làm việc của 2 lao động này: “Tôi hài lòng vì đã tuyển dụng lao động được đào tạo từ Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Quá trình làm việc cho thấy các lao động hòa nhập tốt và làm việc được; so sánh với những lao động mới tuyển dụng đến từ các nước khác thì 2 bạn lao động này tuyệt vời”.
Ông Michael Müller cũng chia sẻ thêm, ông đã trực tiếp sang Việt Nam để tuyển dụng lao động. Ban đầu ông chỉ dự định tuyển một người nhưng khi được tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp ông đã quyết định tuyển dụng 2 người. Ông Michael Müller mong Chương trình PAM tiếp tục triển khai để các DN khác ở Đức có thể tuyển dụng nhân sự được đào tạo bài bản với chuẩn cao sang làm việc tại Đức.
Anh Hồ Nhựt Khánh, hiện làm việc tại thành phố Beilngries, cho biết anh được tuyển dụng sang Đức làm việc ở vị trí kỹ thuật viên cắt gọt kim loại có tay nghề cao. Nhờ được đào tạo bài bản nên khi sang Đức anh có thể làm việc ngay và hòa nhập tương đối tốt.
Chị Hồ Thị Hồng là một trong các học viên nữ tốt nghiệp khóa học Chương trình PAM. Sau khi học xong, chị được tuyển dụng làm kỹ thuật cắt gọt kim loại tại một DN ở huyện Nhơn Trạch.
Chị Hồng cho biết: “Tôi khá hài lòng với vị trí việc làm và mức lương hiện tại. Nhiều bạn nữ có thể cho rằng công việc kỹ thuật cắt gọt kim loại nặng nhọc, không phù hợp với nữ nhưng tôi nghĩ bản thân tôi làm được thì các bạn nữ khác cũng có thể làm được công việc này. Mặt khác, lao động nữ làm việc ở vị trí kỹ thuật nhận được nhiều ưu đãi hơn từ phía DN so với nam giới”.
Qua nghe chia sẻ từ DN, người lao động và phía nhà trường, tiến sĩ Bärbel Kofler bày tỏ hy vọng trong tương lai, chương trình hợp tác này tiếp tục được thúc đẩy để các bên liên quan cùng được hưởng lợi từ chương trình.