Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

(CTT-Đồng Nai) - Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5973/KH-UBND về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác này đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Cán bộ, đoàn viên, hội viên, người dân trên địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) tham gia ngày hội phân loại và đổi rác thải nhận quà
Cán bộ, đoàn viên, hội viên, người dân trên địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) tham gia ngày hội phân loại và đổi rác thải nhận quà

48,9% người dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn 100% các xã, phường về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, trong đó mở rộng phạm vi thực hiện tại 160 phường, xã thị trấn.Các địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại địa phương.

Qua đó, tỷ lệ số hộ dân tham gia thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đạt 48,9% số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có tỷ lệ số hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên 50%. Ngoài ra, 11 huyện, thành phố đã đề xuất 11 xã/phường điểm về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
 
Các địa phương đã tiến hành rà soát và có kế hoạch, lộ trình cải tạo, xây dựng mới các trạm trung chuyển, điểm san tiếp đảm bảo các quy định về xây dựng và bảo vệ môi trường; các đơn vị thu gom, vận chuyển đã có sự đầu tư, cải tạo trang thiết bị, phương tiện thu gom để đảm bảo đáp ứng các quy định. Hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Ngoài ra công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại các địa phương bước đầu được quan tâm và triển khai thực hiện; qua đó đã kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý CTRSH.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung. Đồng thời, từng bước tạo sự chuyển biến, thay đổi hành vi và tạo thói quen trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; tăng hiệu quả trong công tác quản lý CTRSH; giảm áp lực cho hoạt động xử lý chất thải.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại CTRSH tại nguồn, chống rác thải nhựa được triển khai với nhiều hình thức, tuy nhiên đa số người dân chưa thật sự tiếp cận sâu và rộng; khó khăn trong duy trì phân loại CTRSH tại nguồn tại các hộ dân. Công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Các ngành, các cấp chủ yếu triển khai phân loại CTRSH tại nguồn bằng văn bản, thiếu sự quyết liệt, đôn đốc và giám sát thực hiện. Các cơ quan, trụ sở làm việc tại các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn triệt để.

Nhiều địa phương công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý chất thải rắn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã dẫn đến một số nơi vẫn có tình trạng CTRSH bỏ không đúng nơi quy định. Nhận thức về bảo vệ môi trường, sự quan tâm động viên, khuyến khích; ý thức trách nhiệm trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải của một bộ phận hộ gia đình, cá nhân và tổ chức còn hạn chế.

Tại các khu vực đô thị, các hộ gia đình còn lúng túng trong việc bố trí các thùng rác, khu vực lưu giữ tạm thời đối với các nhóm chất thải sau phân loại. Một số cá nhân, hộ gia đình sống tại các phòng trọ, đi làm thường xuyên nên gây khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
 
Tỷ lệ đăng ký thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại một số xã chưa cao do một phần các hộ gia đình nằm trong khu vực vườn rẫy không có tuyến thu gom, một phần do nhận thức các hộ gia đình còn thấp, không đồng ý đăng ký và đóng phí thu gom CTRSH theo quy định, CTRSH phát sinh bỏ vào các thùng rác công cộng hoặc bỏ chung với các hộ đã đóng phí thu gom.

Một hạn chế nữa là việc thiếu đồng bộ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chủ dự án tập trung nhiều cho các công nghệ xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp thông thường, chưa quan tâm đúng mức cho việc đầu tư các hạng mục công trình xử lý, tái chế CTRSH. Chưa có công nghệ xử lý đối với nhóm chất thải cồng kềnh dẫn đến lượng chất thải này chỉ có thể xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh…
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa với nhiều hình thức; rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách và hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.Cùng với đó, tăng cường rà soát hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị thu gom vận chuyển và hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện…
Trang Thư

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang