(CTT-Đồng Nai) - Từng là người có gia cảnh khá giả, cuộc sống hai mẹ con ổn định. Nhưng chỉ vì tham gia đầu tư chứng khoán và tiền ảo qua mạng xã hội thất bại và ăn chơi tiêu xài mà 2 mẹ con bị cáo Phạm Ngọc Diễm (ngụ xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh) rơi vào cảnh phải bán hết nhà cửa, nợ nần chồng chất và cùng nhau đi lừa đảo gần 1,1 tỷ đồng của người khác. Để rồi phải lãnh hậu quả nặng nề.
Hai mẹ con bị cáo Trần Văn Phúc và Phạm Ngọc Diễm tại phiên tòa xét xử
Hai mẹ con bị cáo Trần Văn Phúc và Phạm Ngọc Diễm tại phiên tòa xét xử
Ngày 28-6, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Phúc (con trai bị cáo Diễm) 12 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, tổng hình phạt là 15 năm tù; bị cáo Phạm Ngọc Diễm 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 1 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù.
Bị cáo Diễm có nghề buôn bán, từng có khối tài sản lớn và nhà cao, cửa rộng. Chồng mất sớm, một mình bị cáo tần tảo nuôi con là bị cáo Phúc. Từ ngày con trai đam mê đầu tư chứng khoán và tiền ảo, bà phải đem bán, cầm cố nhà cửa, đất đai, vay mượn ngân hàng để đưa tiền cho con làm ăn. Khi đã hết tiền, nghe con nói làm “sổ đỏ” giả mang đi cầm cố, bị cáo Diễm đồng ý và tiếp tay cho con làm chuyện phi pháp. Để rồi chính những bước đi sai lầm đã khiến bị cáo hối hận không kịp.
Bị cáo Phúc khai tại phiên tòa, để có tiền tiêu xài và đầu tư chứng khoán, Phúc lên mạng xã hội đặt mua 3 “sổ đỏ” giả các thửa đất tại xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) mang tên mẹ là bị cáo Phạm Ngọc Diễm. Đây là các thửa đất đã được bị cáo Diễm thế chấp “sổ đỏ” tại ngân hàng để vay tiền. Sau đó, mẹ con Phúc đem 3 “sổ đỏ” giả đến thế chấp cho người khác để vay và chiếm đoạt số tiền gần 1,1 tỷ đồng của các bị hại. Tất cả số tiền chiếm đoạt được, bị cáo Phúc đều đem đi đầu tư chứng khoán và chơi tiền ảo nên mất sạch.
Thế chấp sổ đỏ giả để vay tiền
Tham gia phiên tòa xét xử, các bị hại cho biết, do tin tưởng mẹ con bị cáo làm ăn lương thiện và có nhà cao cửa rộng, lại còn mang cả giấy tờ nhà đất đến cầm cố nên đồng ý cho vay tiền. Ngờ đâu, họ lại trở thành “con mồi”, bởi thủ đoạn lừa đảo tinh vi của mẹ con bị cáo.
Khai nhận tại phiên tòa xét xử, bà N.T.H. (ngụ thành phố Long Khánh, bị hại trong vụ án) cho hay, bà và bị cáo Diễm quen biết nhau nhiều năm. Do thấy bị cáo Diễm làm ăn buôn bán đàng hoàng và phát đạt nên bà tin tưởng cho vay tiền. Vào ngày 9-12-2021, Phúc và Diễm đem “sổ đỏ” giả thế chấp cho bà để vay 130 triệu đồng. Sau đó, mẹ con Phúc tiếp tục vay của bà N.T.H. 220 triệu đồng. Khi đòi nợ không được, bà yêu cầu ra văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng thì phát hiện giấy tờ giả nên trình báo công an.
Ngày 15-12-2021, Phúc mang “sổ đỏ” giả thứ 2 đến cầm cố để vay của ông H.Đ. (ngụ huyện Trảng Bom) 300 triệu đồng. Theo ông H.Đ., bà Diễm trước đây thường cầm cố giấy tờ đất để vay tiền và trả nợ đúng hẹn. Khi bị cáo Phúc đem “sổ đỏ” đến thế chấp vay tiền, ông có yêu cầu chủ sở hữu trên giấy tờ là bà Diễm đến ký giấy vay mượn, nhưng bị cáo Phúc nói bà Diễm bị nhiễm Covid-19 không đi lại được. Sau khi gọi điện xác nhận với bị cáo Diễm thì ông H.Đ. đồng ý cho vay 300 triệu đồng.
Khi không có khả năng trả nợ, Phúc đã đồng ý bán luôn thửa đất trong “sổ đỏ” cầm cố cho ông H.Đ. với giá 3,3 tỷ đồng. Sau khi trừ hết nợ, ông H.Đ. đưa trước cho mẹ con bị cáo 600 triệu đồng. Với số tiền nhận được, bị cáo Diễm đã trả tiền cho ngân hàng và lấy sổ đỏ thật về. Có được sổ đỏ thật, bị cáo Diễm đã chuyển nhượng đất cho người khác với giá hơn 4 tỷ đồng và Phúc lại đem đầu tư chứng khoán hết. Ngoài ra, mẹ con bị cáo cũng lừa các bị hại khác.
Tại phiên tòa xét xử, các bị hại yêu cầu bị cáo trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Thế nhưng, 2 bị cáo Phúc và Diễm đều cho biết bản thân hiện không có khả năng trả nợ.
Luận tội tại phiên tòa xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá, 2 bị cáo có đầy đủ sức khỏe, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Đáng lẽ, các bị cáo phải chịu khó lao động để tạo nguồn thu nhập chính đáng lo cho bản thân và gia đình, tu dưỡng đạo đức để trở thành người công dân lương thiện, sống có ích cho xã hội. Nhưng các bị cáo đã không làm được điều đó, chỉ vì muốn có tiền tiêu xài nên lợi dụng sự mất cảnh giác của các bị hại để đưa ra thông tin gian dối dùng 3 “sổ đỏ” giả thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt. Hành vi của các bị cáo phạm 2 tội và phạm tội từ 2 lần trở lên, do đó cần có mức án nghiêm khắc.
Hội đồng Xét xử nhận định, hành vi của 2 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước; quản lý con dấu, tài liệu; đồng thời, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bị hại được Nhà nước bảo vệ và gây ảnh hưởng trật tự, trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Các bị cáo biết việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần xử các bị cáo mức án thật nghiêm, cách ly 2 bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục và răn đe phòng ngừa tội phạm chung.