(CTT-Đồng Nai) - UBND thành phố Long Khánh vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn.
Đình chỉ 23 cơ sở thực phẩm
Đầu tháng 5 vừa qua, trên địa bàn thành phố Long Khánh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 600 người mắc, 1 người tử vong. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng người mắc lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho hay, sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, UBND thành phố Long Khánh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại tiệm bánh mì Cô Băng. Lãnh đạo thành phố đã đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân vụ ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa Cao Su Đồng Nai. UBND thành phố đã có văn bản thông tin và chuyển các hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh nói trên về Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Long Khánh để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Xác định tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các cơ quan chức năng của thành phố đã tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, trong hơn 5 tháng qua, đã kiểm tra tại 992 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Trong đó, đã đình chỉ hoạt động 23 cơ sở ở tuyến xã, phường.
Công an thành phố đã phát hiện 4 trường hợp có hành vi vi phạm về kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, xử phạt 4 cá nhân số tiền hơn 13 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện 11 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý 10 vụ với số tiền phạt hơn 91 triệu đồng; 1 vụ đang xử lý; tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm. Các hành vi vi phạm của các cơ sở gồm: không niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh thực phẩm nhập lậu.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành về giết mổ, gia súc, gia cầm và kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Long Khánh phát hiện 4 vụ kinh doanh thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y, xử phạt 4 vụ với số tiền hơn 10 triệu đồng.
Thành phố Long Khánh đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Qua đó đã từng bước nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, tác động mạnh mẽ từ nhận thức đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh; sự lựa chọn và xử lý thực phẩm đúng cách đối với người tiêu dùng nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm. Ngoài ra, tạo chuyển biến đối với những cơ sở sơ chế, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp tạo nên những mặt hàng đảm bảo an toàn thực phẩm; vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả quản lý về an toàn thực phẩm
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Long Khánh còn gặp một số khó khăn. Việc xử lý vi phạm hành chính tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chưa mạnh dạn trong xử lý vi phạm hành chính, chủ yếu là nhắc nhở, đặc biệt là tuyến xã, phường do đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có biên chế cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm tại tuyến xã, phường nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Việc kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không có địa điểm cố định, di chuyển thường xuyên nên khó khăn trong quá trình quản lý, giám sát.
Theo ông Tăng Quốc Lập, trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND thành phố Long Khánh tập trung tuyên truyền, nâng cao kiến thức, thái độ, trách nhiệm của các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể.
Lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố và thực hiện truy xuất nguyên nhân mất an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm đề nghị UBND thành phố Long Khánh tăng cường các giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của cấp xã, phường trong quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.