Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cẩn trọng với bệnh Sốt xuất huyết khi mùa mưa bắt đầu

(CTT-Đồng Nai) - Mùa mưa năm nay đã bắt đầu, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bị muỗi đốt để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bệnh SXH đến nay vẫn chưa có thuốc chữa đặc hiệu và mỗi người có thể mắc SXH 4 lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần trước.
Một trường điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đồng Nai - 2
Một trường điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đồng Nai - 2

Hơn 850 ca mắc bệnh, 1 ca tử vong do SXH

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 850 ca bệnh SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Trường hợp tử vong là bệnh nhi, ngụ huyện Vĩnh Cửu.

Điều tra dịch tễ của lực lượng chức năng cho thấy, trường hợp trên bị sốt cao, được người nhà cho uống thuốc, điều trị tại nhà. 3 ngày sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, được bác sĩ chẩn đoán bị SXH, yêu cầu nhập viện. 2 ngày sau nhập viện, bệnh nhi bất tỉnh, được lọc máu và chăm sóc đặc biệt nhưng sau đó thì tử vong với chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.

BS CKII Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu cho hay, trong phạm vi bán kính 200m từ nhà bệnh nhân có nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng như bình bông, quạt hơi nước, nước đọng trong các khe cửa sắt, ghi nhận trường hợp mắc SXH. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý ổ dịch, tuyên truyền để người dân lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, diệt lăng quăng, ngủ mùng, diệt muỗi…để phòng bệnh SXH.

Tại Bệnh viện Đồng Nai - 2, theo ThS-BS CKI Nguyễn Khổng Tường Minh, Phó trưởng khoa Nhiễm, từ đầu năm đến nay, khoa ghi nhận rải rác số ca bệnh SXH, trong đó có những ca bệnh nặng.

Một trường hợp bệnh nhân tại thành phố Biên Hòa nhập viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 3, huyết áp thấp. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH nặng, suy thận cấp, thiếu nước, tiểu đường tuýp 2, tăng men gan. Các bác sĩ đã tiến hành bồi hoàn nước, cân bằng nước, điện giải, điều trị kháng sinh, nhiễm trùng, dự phòng. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân ổn định nên đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Minh, trường hợp bệnh nhân trên may mắn vào viện kịp thời, được chẩn đoán và điều trị đúng cách nên qua cơn nguy hiểm. Ngược lại, nếu bệnh nhân rơi vào sốc SXH, tình trạng suy thận diễn tiến nặng sẽ phải lọc máu, điều trị rất khó khăn, dài ngày, nguy cơ tử vong 50%.
Người dân cần lật úp các dụng cụ không cần thiết để diệt lăng quăng, phòng ngừa muỗi phát triển
Người dân cần lật úp các dụng cụ không cần thiết để diệt lăng quăng, phòng ngừa muỗi phát triển

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Mới đây, vaccine phòng bệnh SXH Qdenga do hãng dược phẩm Takeda sản xuất đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành. Đây là vaccine phòng SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phòng bệnh SXH của ngành y tế Việt Nam. Trước đó, vaccine này đã được phê duyệt ở 30 quốc gia trên thế giới.

Vaccine này dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã mắc bệnh hay chưa, lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Dự kiến, vaccine Qdenga sẽ có mặt tại Việt Nam từ tháng 9-2024.

Bác sĩ Nguyễn Khổng Tường Minh khuyến khích người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh SXH khi có vaccine bởi đây là loại bệnh truyền nhiễm với số ca mắc nhiều nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Trường hợp bệnh nặng có thể tử vong. Những đối tượng như bà bầu cần chủ động phòng bệnh vì nếu bà bầu nhiễm SXH sẽ có nguy cơ sảy thai cao hơn những bà bầu không nhiễm SXH. Nếu sản phụ nhiễm SXH vào thời điểm sinh đẻ thì sẽ gây khó khăn cho vấn đề cầm máu dù sinh thường hay sinh mổ. Ngoài ra, cả mẹ và con đều có thể gặp một số biến chứng khác về tim, phổi, quá trình điều trị khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

Bác sĩ Minh cũng đặc biệt lưu ý, người dân khi có dấu hiệu sốt cao liên tục khó hạ cần đến cơ sở uy tín thăm khám kịp thời để xác định có phải mắc SXH không, tránh tự ý truyền dịch không đúng chỉ định, có thể sẽ làm tình trạng bệnh diễn tiến nặng nề phức tạp hơn, nhất là khi những biến chứng nặng của SXH xảy ra như: sốc, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng,… gây khó khăn cho quá trình điều trị và kéo dài thời gian hồi phục của bệnh.

Những người có yếu tố nguy cơ cao cần lưu ý khi bị SXH gồm: trẻ em dưới 6 tuổi, người béo phì, thai phụ, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp…Những người ở xa cơ sở y tế, sống một mình nếu có các biểu hiện của bệnh SXH cần sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Để phòng bệnh SXH, khi chưa có vaccine, người dân cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, bỏ hết các vật dụng chứa nước không cần thiết, ngủ mùng, dùng thuốc diệt muỗi và chống muỗi, uống nhiều nước, ăn trái cây, rau xanh…
Việt Anh

Hội đồng nhân dân

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang