(CTT-Đồng Nai) - Theo đó, từ ngày 9-11 giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) - tăng 4,5% (86,42 đồng/kWh).
Để việc tăng giá điện sẽ không gây xáo trộn quá lớn đến giá cả nói riêng và đời sống nói chung. Nhiều người kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường xử lý việc lợi dụng tăng giá điện để tùy tiện tăng giá bán các mặt hàng khác; quan tâm triển khai bình ổn giá; có chính sách trợ giá điện cho người có thu nhập thấp…
Khi biết thông tin giá điện tăng, anh Phan Văn Trường (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) không khỏi lo lắng. Anh Trường chia sẻ, 2 vợ chồng anh đều làm công nhân may gia công. Cả năm nay cơ sở may không có tăng ca, nên thu nhập của cả hai vợ chồng tiết kiệm mới đủ chi tiêu cho gia đình 5 người. Trung bình mỗi tháng anh trả tiền điện tương đương khoảng 10% thu nhập. Với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh, chi phí sinh hoạt của gia đình anh sẽ bị “đội” thêm. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, chỉ cần chi phí sinh hoạt tăng thêm một chút cũng ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình. Vì vậy, khi nghe tin giá điện tăng anh thấy lo lắng, vì thông thường sau mỗi lần giá điện được điều chỉnh tăng, các mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt tăng giá.
“Cùng với việc tăng giá điện, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường; xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hóa ồ ạt, vô lối theo giá điện” - anh Trường kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Sang (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, ngoài tính toán giá điện để tránh ảnh hưởng quá lớn đến người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, ngành điện cần xây dựng lại bậc giá điện cho phù hợp nhu cầu và mức tiêu thụ điện năng thực sự của người dân. Song song đó nên có chính sách trợ giá phù hợp cho người thu nhập thấp bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.