(CTT-Đồng Nai) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho bệnh nhân Đ.T.V., 57 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa, bị nhồi máu cơ tim nặng. Đây là kỹ thuật rất khó thực hiện, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ tay nghề cao.

Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật thành công
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật thành công
Bệnh nhân thoát cửa tử
Ông V. cho biết, năm 2006, ông từng bị nhồi máu cơ tim nhưng chỉ uống thuốc điều trị, không can thiệp. Cách đây ít ngày, ông V. đi ngủ thì thấy người vã mồ hôi, mắt mờ dần, đau ngực dữ dội, mệt lả, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
TS-BS.Võ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, tại Khoa Tim mạch can thiệp, bệnh nhân được chụp mạch vành và được chẩn đoán bị hẹp 3 nhánh mạch vành mức độ nặng, cần phẫu thuật.
Hội đồng mổ tim của bệnh viện sau đó đã hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân. Do bệnh nhân có nguy cơ cao (chức năng co bóp cơ tim khá kém, bị đái tháo đường không được kiểm soát tốt, hút thuốc lá nhiều) nên bệnh viện đã mời các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy xuống Đồng Nai cùng thực hiện ca phẫu thuật.
Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, bác sĩ phẫu thuật đã mở ngực đường giữa xương ức của bệnh nhân, 1 ê kíp lấy những động mạch ở trong thành ngực bệnh nhân, 1 ê kíp khác lấy tĩnh mạch chân của bệnh nhân để làm cầu nối vào trong các điểm mạch vành, đảm bảo tái tưới máu cơ tim tốt nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ cũng không sử dụng máy tim phổi nhân tạo để giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn, nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.
Do bệnh nhân có nguy cơ cao nên quá trình gây mê rất khó, phải sử dụng thuốc gây mê sao cho bệnh nhân không bị tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp. Vì vậy, theo BS Tuấn Anh, vai trò của ekip gây mê là rất quan trọng trong suốt quá trình phẫu thuật.
Đến nay, bệnh nhân không còn đau ngực, ăn uống, đi lại bình thường và đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là gì?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, lòng mạch vành (là mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi cả quả tim) bị hẹp thường do tích tụ mảng xơ vữa trên thành động mạch. Sự tích tụ này làm động mạch xơ cứng và dần trở nên hẹp hơn, khiến máu lưu thông kém đi, hạn chế cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim.
Nếu một phần mảng xơ vữa bị vỡ, ngay tại khu vực đó có thể hình thành cục máu đông dẫn tới tắc nghẽn động mạch. Sự tắc nghẽn sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ ở các bộ phận của tim - căn nguyên của cơn nhồi máu cơ tim.
Để cải thiện hiện tượng tắc/hẹp động mạch vành, bác sĩ sẽ lấy mảnh ghép mạch máu khỏe mạnh khác trong cơ thể (thường là động mạch ở thành ngực, tay hoặc chân) để làm cầu nối giàu oxy bắc qua đoạn mạch bị tắc hẹp. Đây chính là phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Đây là một trong những phương pháp điều trị bệnh động mạch vành hiệu quả nhất bên cạnh can thiệp đặt stent động mạch vành qua da.