Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát triển các đô thị ven sông

(CTT- Đồng Nai)​ Trong định hướng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc hình thành các đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái và các quần thể vui chơi giải trí đẳng cấp được xác đinh là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh.

Khu vực cù lao Hiệp Hoà là khu vực được đánh giá có vị trí vàng để phát triển đô thị ven sông Đồng Nai
Khu vực cù lao Hiệp Hoà là khu vực được đánh giá có vị trí vàng để phát triển đô thị ven sông Đồng Nai

Nhiều tiềm năng phát triển đô thị

Sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai với chiều dài khoảng 200km, mang trong mình giá trị về giao thông, lịch sử văn hóa và khả năng kiến tạo cảnh quan ven sông. Chính vì vậy, sông Đồng Nai có giá trị rất lớn đối với tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội trong đó có việc phát triển chuỗi đô thị ven sông.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, sông Đồng Nai là “lợi thế” lớn của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là phát triển đô thị. Chính vì vậy, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Chủ tịch UBND tỉnh đã đặc biệt lưu ý liên danh đơn vị tư vấn phải có sự rà soát, đánh giá để đưa vào quy hoạch định hướng phát triển chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai.
 
Về phía liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, qua khảo sát cũng đã đưa ra đánh giá bước đầu về tiềm năng phát triển các đô thị ven sông Đồng Nai. Cụ thể, theo liên danh đơn vị tư vấn, trên tuyến sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh có khoảng 90km là khu vực có thể phát triển các đô thị ven sông.
 
Trên cơ sở đó, liên danh đơn vị tư vấn cũng bước đầu đưa ra 8 mô hình phát triển đô thị khác nhau đối với 8 đoạn sông.
Trên thực tế, hiện nay, tại một số khu vực ven sông Đồng Nai, các đô thị ven sông cũng đã bắt đầu hình thành như ở khu vực TP.Biên Hoà, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch.

Trong định hướng phát triển của tỉnh, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực mũi nhọn phát triển. Trong đó, ngành dịch vụ được xác định là một trong những ngành sẽ được ưu tiên để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc phát triển chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển ngành dịch vụ. “Lâu nay, ngành dịch vụ của tỉnh vẫn được đánh giá còn yếu, đặc biệt là các dịch vụ cao cấp. Việc thiếu các dịch vụ khiến cho Đồng Nai không giữ chân được du khách. Do đó, chỉ có phát triển các đô thị ven sông mới có thể thu hút được các dịch vụ nhất là dịch vụ cao cấp. Lúc đó, Đồng Nai mới thực sự các các dịch vụ để giữ chân du khách”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá.

Đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông kết nối

Khai thác khu vực ven sông trong đó có phát triển các đô thị ven sông là định hướng được Đồng Nai xác định và đã bước đầu triển khai thực hiện. Một trong những bước đi để hiện thực hoá tham vọng khai thác tiềm năng khu vực ven sông Đồng Nai chính là việc triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối.

Thời gian qua, một số dự án hạ tầng giao thông kết nối để phát triển khu vực ven sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện như đường ven sông Đồng Nai (đoạn tư cầu Hoá An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu); Hương lộ 2. Thời gian tới, một loạt các dự án hạ tầng giao thông kết nối khu vực ven sông Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục được triển khai.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, để hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các đô thị ven sông, trong quy hoạch cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm. Đặc biệt tại khu vực H. Nhơn Trạch do chia cắt không thể xây dựng các tuyến đường ven sông.
 
Theo liên danh đơn vị lập quy hoạch tỉnh, để có thể khai thác tốt khu vực ven sông Đồng Nai, trong đó có việc phát triển các đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cần được tiếp tục đầu tư và hoàn thiện.
 
Cụ thể, trong quy hoạch, liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch cũng đề xuất quy hoạch thêm tuyến đường bộ kết nối các đô thị ven sông từ H.Long Thành đến H.Nhơn Trạch. Tuyến đường bộ này sẽ đóng vai trò là tuyến đường nội thị, kết nối các đô thị ven sông tại 2 địa bàn này.
Cùng với đó, liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị từ Biên Hoà đến H.Long Thành.
 
Để “thông đường” cho các đô thị ven sông, việc quy hoạch, phát triển các tuyến đường thủy. Trên thực tế, lâu nay, dù có tiềm năng lớn, tuy nhiên, vận tải thủy trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới chỉ được khai thác phục vụ mục đích vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển vật liệu xây dựng. Trong khi đó, vận tải hành khách gần như đang còn bị bỏ ngõ.
 
Điều này cũng đã được Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên nhìn nhận khi cho rằng, trong 5 phương thức giao thông hiện nay trên địa bàn tỉnh, giao thông đường sông chưa được định hình rõ ràng. Trong bối cảnh phát triển các đô thị ven sông, việc quy hoạch giao thông đường sông cần được rà soát, tính toán. “Giao thông đường sông hiện nay chủ yếu phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Tới đây, phải tính toán để kết nối vận chuyển hành khách”- ông Nguyễn Hữu Nguyên đề nghị.
Phan Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang