Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần tăng cường bảo vệ môi trường chăn nuôi

Năm 2021 và 2022, các ngành chức năng của tỉnh và huyện đã kiểm tra, phát hiện 129 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT). Cần tăng cường kiểm tra, giám sát chăn nuôi nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, tạo dựng không gian đáng sống cho xã hội.

Trang trại chăn nuôi bò tại H.Cẩm Mỹ
Trang trại chăn nuôi bò tại H.Cẩm Mỹ

Vi phạm môi trường chăn nuôi còn nhiều

Thống kê của Sở TN-MT, trong 2 năm gần đây, có 129 cơ sở chăn nuôi vi phạm về BVMT. Trong đó, phổ biến là xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa đầu tư các hạng mục BVMT theo giấy phép…

Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho hay, đa phần cơ sở chăn nuôi lớn đều có giấy phép môi trường (quy mô cấp huyện) hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường (quy mô cấp tỉnh); đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn, nước thải sau xử lý được tuần hoàn vệ sinh chuồng trại, tưới cây hoặc xả ra môi trường; phân thải được thu gom, tập kết vào nhà chứa, ủ rồi bán cho các hộ dân có nhu cầu hoặc cơ sở sản xuất phân bón.

Các cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình đã đầu tư hầm biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý nước thải, phân thải. Riêng các cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ hầu như chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải hiệu quả, chỉ thực hiện lắng lọc sơ bộ và kết hợp nuôi cá.

Bên cạnh việc vi phạm về xử lý chất thải, thiếu hạng mục bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở chăn nuôi còn “bỏ quên” việc đăng ký giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Huyện Long Thành có 54 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động nhưng chỉ có 8 cơ sở có giấy phép môi trường, 46 cơ sở vẫn chưa có thủ tục về môi trường. Theo H.Long Thành, các cơ sở này tồn tại từ lâu và từ nông hộ lên trang trại nên việc đáp ứng các tiêu chí về môi trường còn hạn chế. Năm 2021, UBND H.Long Thành đã có quy định khu vực không được phép chăn nuôi, di dời cơ sở ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân do mức hỗ trợ di dời thấp, quỹ đất quy hoạch khu được phép chăn nuôi chỉ còn khoảng 78ha, không đủ cho các cơ sở vào hoạt động.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho rằng, mùi hôi và nước thải từ hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo quy mô hộ gia đình ở các khu dân cư là vấn đề bức xúc của nhiều cử tri. Có trường hợp cử tri phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhưng sau đó vẫn tái diễn. Điều này chứng tỏ công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa quyết liệt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, BVMT là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở chăn nuôi để giữ môi trường xanh, sạch. Tuy nhiên, vấn đề của ngành hiện nay là việc nuôi gia công cho các công ty quá nhiều. Thay vì có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện các quy định về BVMT thì các doanh nghiệp này lại để toàn bộ trách nhiệm cho chủ trại làm.

Trang trại nuôi heo tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu
Trang trại nuôi heo tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu

Đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường

Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ; không thể để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần sông, hồ vì sẽ gây mùi hôi và đe dọa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cả cộng đồng. Trường hợp cơ sở nào chưa đúng quy hoạch phải dứt khoát di dời theo lộ trình. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, đồng lòng cao của người dân.

Về môi trường, các cơ sở chăn nuôi phải có giấy phép hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép này phải thực chất. Tỉnh và huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chủ cơ sở tuân thủ đầy đủ các giải pháp đã cam kết. Xử lý nghiêm và dứt điểm cơ sở vi phạm, hạn chế phát sinh mới. Tăng cường hướng dẫn chủ cơ sở áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm rủi ro dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, đã đến lúc phải đánh giá lại quy mô, tỉ trọng đóng góp và nguy cơ của ngành chăn nuôi. Trên cơ sở đó, có định hướng phát triển ngành phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại vùng được phép, việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo giấy phép môi trường. Vừa qua, tỉnh ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt danh sách hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo từ nay đến hết tháng 6-2023, Sở TN-MT và các địa phương phải tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp theo.

Vi Quân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang