Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Từ ngày 1-1-2023: Không cần xuất trình sổ hộ khẩu giấy khi giao dịch

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (DVC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 (gọi tắt Nghị định 104).

img2-29-12-2022-hung.jpg

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ hết hạn sử dụng vào ngày 1-1-2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử​​

Theo đó, từ ngày 1-1-2023, người dân không phải nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi...

* Bổ sung nhiều quy định mới

Người dân thực hiện các thủ tục nêu trên chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định 104 gồm 15 điều, trong đó từ điều 1-13 quy định việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Các quy định được sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến thủ tục cần thiết để giải quyết các chính sách hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển giáo dục mầm non. Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; điện lực, nhà ở, đất đai, y tế…

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong 4 phương thức: Thứ nhất: tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng DVC quốc gia. Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID. Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD gắn chip. Thứ tư là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định mới, trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú theo các phương thức được nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức... được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin cư trú bao gồm: thẻ CCCD, giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Sẵn sàng trước giờ “G"

Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ sau ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ bị “khai tử". Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử.

Đến nay, cơ quan chức năng trong tỉnh đã hoàn thành việc đưa 22/25 DVC thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử để tạo thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Trong đó, có 13/14 DVC thiết yếu của các sở, ngành đều đã hoàn thành ở cấp độ 4; riêng thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe của Sở GT-VT chưa thực hiện mức độ 4 do phần mềm kết nối dữ liệu khám sức khỏe cho người lái xe của của Bộ Y tế chưa được thực hiện đồng bộ.

Riêng Công an tỉnh có 9/11 DVC đã được tích hợp lên Cổng DVC của Bộ Công an. Trong đó, có 8 DVC đã hoàn thành ở cấp độ 4 và 1 thủ tục ở cấp độ 3 (thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình).

Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết, sau một thời gian khắc phục các lỗ hổng đảm bảo an ninh an toàn theo yêu cầu của Bộ Công an, hiện Sở TT-TT đang thực hiện các bước tiếp theo để kết nối Cổng DVC tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Cổng DVC quốc gia). Khi hoàn tất công đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC có thể khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC.​


Theo Công an tỉnh, việc làm sạch dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện cơ bản đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công an, đến nay đã đạt trên 98%. Công tác cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân thường trú thực tế cư trú trên địa bàn tỉnh đạt 99,55%, đứng thứ nhất toàn quốc. Công an tỉnh đã cấp trên 161 ngàn tài khoản định danh điện tử mức 2 cho người dân
Nhật Huy

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang