Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nông dân xây dựng nông thôn mới

Vai trò chủ thể của nông dân càng được thể hiện rõ trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới sau dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao, giá nông sản đồng loạt hạ, đầu ra cũng bấp bênh hơn.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) giới thiệu mô hình tiêu hữu cơ với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Phan Anh
​ Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) giới thiệu mô hình tiêu hữu cơ với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Phan Anh

Trước những khó khăn, thách thức, những thế hệ nông dân mới vẫn mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, khởi nghiệp và đã có những thành công, tạo ra một xu thế mới trong nông nghiệp, đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới …

Nông dân phát triển sản xuất

Trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn, Đồng Nai không thiếu những tấm gương nông dân năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; dám nghĩ dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai; mạnh dạn, sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Họ thực sự là chủ thể trong phát triển sản xuất cũng như xây dựng nông thôn mới.

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Đồng Nai không thiếu những gương nông dân khởi nghiệp trở thành chủ trang trại, giám đốc HTX, chủ doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu...

Ông Nguyễn Văn Khôn với mô hình trồng xáo tam phân tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) là một trong những nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội trao tặng bằng khen, biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022. Ông cũng là tấm gương về nông dân khởi nghiệp khi thành lập Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ với vườn dược liệu xáo tam phân lớn nhất cả nước. Sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân do công ty sản xuất là sản phẩm OCOP của tỉnh; tiêu thụ tốt tại các siêu thị, nhà thuốc, khu du lịch…

Ngoài ra, còn nhiều nông dân tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) đã xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích 70ha trồng sen, có 13 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3, 4 sao. Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) Lý Minh Hùng đã xây dựng được mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn khi không chỉ xuất khẩu tốt trái chuối tươi, sản phẩm chế biến từ chuối mà còn tận dụng được thân cây chuối làm sản phẩm bẹ chuối sấy khô là nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường…

Các "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; "Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh"...cũng đã phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân. Theo ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2017-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp về vật chất, ngày công lao động trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, tổng số tiền nông dân đóng góp gần 178 tỷ đồng với gần 73 ngàn ngày công lao động để sửa chữa hơn 1.468 km đường giao thông nông thôn; xây dựng, kiên cố hóa 690k kênh mương thủy lợi; xây dựng 1059 công trình điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất…Đặc biệt, nông dân đã hiến gần 215,3 ngàn m2 đất canh tác, đất thổ cư để xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Vương, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vương Hương (H.Vĩnh Cửu) là nông dân khởi nghiệp làm giàu bằng đặc sản quê hương. Ảnh: Phan Anh
Ông Nguyễn Minh Vương, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vương Hương (H.Vĩnh Cửu) là nông dân khởi nghiệp làm giàu bằng đặc sản quê hương. Ảnh: Phan Anh

Phát huy vai trò của Hội Nông dân

Để các phong trào nông dân đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa rộng khắp trong các cấp Hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp luôn tích cực tuyên truyền, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Hội cấp trên về phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, từ đó đã phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, đưa phong trào đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hội cũng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo và dạy nghề… nhằm tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển sản xuất vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Trong đó chính cán bộ Hội Nông dân các cấp đi tiên phong trong phong trào phát triển sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San Trương Đình Bá là một trong những nông dân đi tiên phong sản xuất tiêu hữu cơ. Hiện hơn 2ha tiêu của gia đình ông đã được công nhận tiêu hữu cơ. Ông cũng là người tích cực vận động nông dân thành lập tổ hợp tác tiêu hữu cơ với 56 thành viên tham gia với diện tích 64,5ha. Trong đó, có 16 hộ với diện tích 22,4ha thực hiện chuyển đổi năm 3 sang sản xuất hữu cơ và đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận tiêu hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Phong, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân ấp 3, xã Phú Lập, H.Tân Phú đã đứng ra vận động hội viên, nông dân tham gia thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi dê Văn Phong. HTX có 27 thành viên với tổng đàn dê khoảng 1,7 ngàn con và 40 con heo rừng giống sinh sản, đã đi vào hoạt động ổn định đem lại lợi nhuận tốt cho các thành viên.

Chia sẻ về hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động nông dân, ông Nguyễn Đức Nước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, đây là địa phương đầu tiên của H.Xuân Lộc về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được kết quả này nhờ địa phương phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Trong đó, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng để tạo được sự chung sức, chung lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều gương nông dân sẵn sàng hiến đất làm đường, trong đó, chính các cán bộ Hội Nông dân làm gương để thuyết phục nhiều nông dân khác cùng tham gia. Tiêu biểu như ông Phạm Công Hữu, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa đã đóng góp hàng trăm triệu làm đường giao thông.

Theo Hội Nông dân tỉnh, nông dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu. Kết quả, giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có hơn 11,3 ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ gần 10,7 ngàn hộ nghèo bằng các việc làm thiết thực như: tạo việc làm tại chỗ cho gần 21 ngàn lượt lao động; đóng góp cho mượn vốn không tính lãi tổng cộng là gần 24,7 tỷ đồng; đóng góp gần 600 tấn phân bón, lương thực; hàng trăm ngàn cây, con giống, gần 41 tấn hạt giống các loại giúp đỡ các hộ nghèo...
Phan Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang