Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ngăn chặn tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, kéo theo đó là nỗi đau về tinh thần, thiệt hại về nhân mạng, tổn thất về kinh tế. Giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của mỗi người và của toàn xã hội nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau do TNGT gây ra.

Chỉ huy Cảnh sát giao thông Suối Tre (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) trực tiếp kiểm tra tải lượng các xe ben chở quá tải. (Ảnh: Trúc Viên)
Chỉ huy Cảnh sát giao thông Suối Tre (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) trực tiếp kiểm tra tải lượng các xe ben chở quá tải. (Ảnh: Trúc Viên)

* Mạnh tay xử lý vi phạm an toàn giao thông

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với các lỗi: thiếu chú ý quan sát, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông…

Điển hình như trên quốc lộ 20, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 562 trường hợp vi phạm tốc độ; trong đó, có 41 xe khách, 152 xe tải, 274 xe ô tô con, 94 xe máy. Hay tại các tuyến đường của TP.Long Khánh, Công an thành phố đã phát hiện 389 trường hợp vi phạm nồng độ cồn…

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng xác định, để kéo giảm TNGT, cần tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, trong đó tập trung xử lý các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) của kết cấu hạ tầng giao thông... Việc này từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã làm rất ráo riết. Qua đó, lực lượng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 248 trường hợp vi phạm tải trọng, gần 2,2 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn và hơn 3,8 ngàn trường hợp vi phạm tốc độ.

Riêng tại TP.Biên Hòa, địa bàn đông dân cư, phương tiện giao thông dày đặc, thượng tá Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, nhận định để kéo giảm TNGT cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc các quy định về trật tự ATGT đường bộ bằng nhiều hình thức, biện pháp. Trong đó, tập trung phối hợp tuyên truyền tại các bến xe, trường học, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải để nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành cho đội ngũ lái xe, phòng ngừa TNGT.

Còn trên quốc lộ 20, tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT, trung tá Đinh Văn Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - đơn vị phụ trách tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến quốc lộ 20) cho biết, bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát, Đội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan điều tiết giao thông tại các giao lộ thường xảy ra kẹt xe, tập trung vào các ngày lễ, cuối tuần, khi tuyến quốc lộ này “cõng” một lượng lớn phương tiện đi du lịch.

* Tổ chức giao thông thuận lợi sẽ giảm được tai nạn

Dù đã “điểm mặt” được hầu hết các nguyên nhân gây TNGT trên địa bàn tỉnh và đã đưa ra các giải pháp tích cực, nhưng nhiều ý kiến, trong đó có những chuyên gia, cho rằng để giải bài toán kéo giảm 3 tiêu chí (giảm số vụ, giảm số người chết và giảm số người bị thương do TNGT) trong tham gia giao thông cần phải có cái nhìn đa chiều, không chỉ nhìn vào những vi phạm của người dân.

Tại hội thảo Các giải pháp trọng tâm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, TNGT có thể phòng tránh được. Muốn giảm số vụ TNGT, giảm số người chết và bị thương thì cần thay đổi tư duy, cách làm trong đảm bảo ATGT.

“Chúng ta hay nói TNGT xảy ra là do ý thức người dân còn thấp. Nhưng tỷ lệ người tham gia giao thông cố tình vi phạm giao thông rất nhỏ. Trong một số trường hợp vi phạm, đi lên vỉa hè, không chấp hành quy tắc giao thông là do môi trường giao thông, thiết kế, tổ chức giao không thuận lợi khiến họ dễ vi phạm” - ông Hùng chỉ rõ.

Đồng thuận với ý kiến của ông Khuất Việt Hùng về vấn đề cần có môi trường giao thông an toàn để người dân thực hành pháp luật giao thông, bà Lê Thị Hoàng Anh, Giám đốc một công ty du lịch lữ hành ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi đi du lịch nhiều nước trên thế giới, thấy nhiều người Việt Nam ra nước ngoài tuân thủ rất tốt quy định tham gia giao thông của nước sở tại vì họ biết tại đây có hệ thống giám sát và xử phạt rất nghiêm. Tôi cho rằng, khi ở môi trường giao thông có quy định rõ ràng, bị giám sát chặt và xử lý nghiêm thì tự thái độ, hành vi tham gia giao thông của người dân sẽ được điều chỉnh theo đúng quy định. Ngược lại, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông, năng lực giám sát của cơ quan chức năng vẫn còn những hạn chế khiến người ta dễ vi phạm hơn”.

Tương tự, ông Trần Văn Chí (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), một giáo viên về hưu cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rất rõ các quy tắc giao thông đường bộ, hành vi bị nghiêm cấm…, người dân phải có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật giao thông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần thay đổi tư duy, cách làm trong bảo đảm ATGT bằng việc thay vì “đổ lỗi” cho người dân là vi phạm quy định thì hãy tạo ra môi trường giao thông an toàn cho người dân trước đã. Đường phố quá chật hẹp, không có hành lang an toàn đường bộ, phân luồng tuyến không hợp lý, phần đường dành cho người đi bộ bị chiếm dụng…, tất yếu sẽ dẫn đến ùn tắc, va chạm và tai nạn…

Do đó, theo ông Chí, không nên chỉ quy trách nhiệm cho người tham gia giao thông, mà các cơ quan chức năng liên quan phải nhìn lại phương án tổ chức giao thông, thiết kế hạ tầng giao thông thuận lợi, an toàn, đặt hệ thống biển báo, tín hiệu nơi người tham gia giao thông dễ thấy, dễ thực hành quy định pháp luật. Trong trường hợp không chấp hành phải xử phạt nghiêm. Khi được bảo đảm các điều kiện, môi trường giao thông an toàn; các chế tài xử phạt được thực hiện nghiêm, người dân sẽ tự khắc thay đổi ý thức và dễ dàng chấp hành các quy định về ATGT, từng bước hạn chế TNGT xảy ra để không còn nhiều gia đình phải chịu mất mát đau thương, gánh nặng đau bệnh do TNGT gây ra.
Bộ GT-VT vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5-4-2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, phấn đấu giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5-10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do TNGT so với năm 2020.
Hạ Di - Trúc Viên

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang