Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối chuẩn bị được khởi động thực hiện được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển của Vùng Đông Nam bộ. Từ đó, tạo ra sự đột phá và là cú hích cho nền kinh tế.

2dnb-16522d.jpg
      Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Hàng loạt dự án “chờ” khởi động

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường Vành đai 3,4-TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện sau nhiều năm “nằm” trên quy hoạch. Các dự án này khi hoàn thành xây dựng sẽ đóng vai trò là những trục giao thông “xương sống” kết nối các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ.

Ngày 23-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến đầu năm 2022, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ, Bộ GT - VT đã chính thức đề xuất thực hiện đầu tư công đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây được xem là bước ngoặt để đẩy nhanh quá trình “hiện thực hóa” quy hoạch của tuyến giao thông kết nối quan trọng bậc nhất của Vùng Đông Nam bộ. Bởi theo Bộ GT - VT, trong bối cảnh huy động nguồn vốn PPP gặp nhiều khó khăn, thời gian đấu thầu kéo dài thì việc chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo cho mục tiêu khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 vào năm 2023 và cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.

Cùng với các tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường Vành đai 3,4-TP.HCM cũng được xác định là những trục giao thông kết nối quan trọng không chỉ của Vùng Đồng Nam bộ mà còn của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường Vành đai 3 và Vành đai 4-TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Mặc dù được quy hoạch từ lâu và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư “khép kín” dự án đường Vành đai 3 và triển khai đường Vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện được cho là quá chậm, điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Xác định tầm quan trọng của 2 tuyến đường Vành đai trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra không gian phát triển mới, cuối năm 2021, lãnh đạo Chính phủ đã có các cuộc làm việc với các địa phương có các đoạn tuyến của 2 dự án đi qua về tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là phải thực hiện “khép kín” đường Vành đai 3 - TP.HCM và hoàn thành một số đoạn tuyến của đường Vành đai 4 -TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025.

Tháng 1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao UBND TPHCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3 -TP.HCM. Gần 1 tháng sau, trên cơ sở tờ trình của UBND TP.HCM về nội dung bào cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất thực hiện đầu tư công đối với dự án này.

Tháng 4 - 2022, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo tờ trình này, việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 3 -TP.HCM sẽ được tiến hành từ năm 2023 đến 2026. Trong đó, thời gian dự kiến khởi công là vào quý IV-2023, hoàn thành cơ bản tuyến vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026 và quyết toán vào năm 2027.

1dnb-16522d sua.jpg
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư xây dựng sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 51.

Tháo “điểm nghẽn” liên kết vùng

Theo dự kiến, đến năm 2025, hoàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Đông Nam bộ sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Điều này sẽ tạo ra một “bức tranh mới” đối với mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng, từ đó, tạo động lực cho các địa phương bứt phá phát triển.

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài gần 100km sẽ hoàn thành xây dựng. Khi dự án này đưa vào khai thác, thời gian di chuyển từ TP.HCM, Đồng Nai đi các tỉnh Nam Trung bộ sẽ rút ngắn một nửa so với hiện nay. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi đưa vào khai thác cũng sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 1, đồng thời tạo ra trục giao thông liền mạch từ TP.HCM đến Bình Thuận, giúp lưu thông hàng hóa giữa các KCN, khu chế xuất, CCN trong Vùng Đông Nam bộ với khu vực Nam Trung bộ thuận lợi hơn.

Tương tự, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2024 cũng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung cũng như Vùng Đông Nam bộ nói riêng. Dự án sẽ khai thác thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, du lịch, khu đô thị của các tỉnh, thành nơi mà dự án đi qua. Bên cạnh đó, dự án cũng đóng vai trò kết nối liên vùng Đông và Tây Nam Bộ, rút ngắn hành trình, thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

“Bức tranh” về giao thông kết nối Vùng Đông Nam bộ sẽ trở nên hoàn thiện và đồng bộ hơn vào năm 2025 khi các dự án hạ tầng giao thông quan trọng gồm đường Vành đai 3-TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng cơ bản hoàn thành xây dựng.

Nếu như đường Vành đai 3-TP.HCM sẽ đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô TP.HCM, kết nối liên vùng Đông và Tây Nam bộ thì đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng là dự án được kỳ vọng sẽ phá thế “độc đạo” của quốc lộ 51 và “giải phóng” cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo Bộ trường Bộ GT - VT Nguyên Văn Thể, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án sẽ tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.

Để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành động lực để phát triển của cả Vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa “siêu” sân bay và “siêu” cảng biển là yếu tố then chốt.

Với bối cảnh đó, việc các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3, 4-TP.HCM cũng như 2 dự án đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025 sẽ tạo sự “khớp nối” để thông đường cho sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

                                                                                              Phan Anh 

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang