(CTT- Đồng Nai) - Bên cạnh lợi ích ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại thì chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ. Các sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do đó, việc luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó hiệu quả là điều cần thiết để đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân góp phần nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm thực tế cho lực lượng ứng phó sự cố trong tỉnh.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Cuối tháng 11, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh đã tổ chức Diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân. Tình huống đặt ra là nguồn phóng xạ bị phát hiện tại cơ sở thu mua sắt thép phế liệu. Đây là chương trình diễn tập tổng thể, nhằm kết hợp vận dụng lý thuyết và các nội dung thực hành trong quá trình đào tạo ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân để vận dụng vào thực tiễn. Chương trình diễn tập cũng góp phần nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm thực tế cho lực lượng ứng phó sự cố trong tỉnh. Đây cũng là cơ sở để Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của tỉnh đánh giá kết quả và rút ra các bài học kinh nghiệm cho hoạt động đào tạo, chuẩn bị lực lượng và triển khai ứng phó sự cố xảy ra trong thực tế.
Lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố mặc quần áo bảo hộ chuyên dụng phòng chống nhiễm bẩn phóng xạ.
Lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố mặc quần áo bảo hộ chuyên dụng phòng chống nhiễm bẩn phóng xạ.
Theo tình huống diễn tập, khi người dân đang phá dỡ phế liệu ở một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa thì phát hiện ra 1 khối kim loại nhỏ có tem màu vàng cảnh báo phóng xạ (biểu tượng hình quạt 3 cánh) đã bị tháo dỡ ra từ một thiết bị cũ. Ngay sau khi phát hiện, người dân đã gọi điện thoại báo với Công an phường.
Khi tiếp nhận thông tin, Công an phường đã hướng dẫn người dân giữ nguyên hiện trường, tự lập rào chắn cách nguồn nghi có chất phóng xạ tối thiểu 30m trở lên chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Đồng thời lực lượng công an xuống ngay hiện trường để đảm bảo an ninh hiện trường để chờ cơ quan chức năng xuống xử lý.
Thông tin trên cũng đồng thời được báo cho Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN). Chuyên viên phụ trách an toàn bức xạ của Sở KH-CN ngay lập tức đến hiện trường, sử dụng máy đo cầm tay để kiểm tra suất liều bức xạ. Sau khi kiểm tra, khẳng định trong bình có chứa nguồn phóng xạ thì nhân viên này đã báo cáo với lãnh đạo Sở. Tiếp đó, lãnh đạo Sở báo cáo Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ để khởi động ứng phó sự cố cấp tỉnh.
Sau khi tiếp nhận báo cáo, chỉ huy Ban ứng phó sự cố bức xạ (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng) yêu cầu Sở KH-CN cho khởi động ứng phó sự cố cấp tỉnh, bố trí cán bộ phù hợp làm chỉ huy hiện trường ứng phó sự cố, đồng thời chỉ đạo các bên: UBND thành phố Biên Hòa, Công an tỉnh, Sở Y tế, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia hỗ trợ ứng phó sự cố.
Không lâu sau đó, các thành viên của ban chỉ huy tổ chức họp với sự có mặt của các chuyên gia và đề ra các biện pháp ứng phó sự cố. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí nhân sự cùng thiết bị tham gia ứng phó sự cố. Các Thiết bị gồm: thiết bị nhận diện nguồn phóng xạ, thiết bị đo suất liều bức xạ, trang thiết bị tẩy xạ cùng 1 xe chuyên dụng dùng để thu hồi nguồn phóng xạ.
Lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố đang quan trắc bức xạ môi trường.
Lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố đang quan trắc bức xạ môi trường.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân viên tham gia ứng phó sự cố phải bọc tất cả các trang thiết bị ghi đo bức xạ bằng túi ny-lon để chống nhiễm bẩn phóng xạ vào máy.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, dưới sự chỉ huy trực tiếp tại hiện trường của cán bộ được phân công, sự cố bức xạ đã được xử lý, nguồn chứa chất phóng xạ được thu hồi theo quy định.
Sẵn sàng ứng phó với sự cố bức xạ
Ông Huỳnh Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, cho biết những sự cố bức xạ hạt nhân dù hiếm gặp vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Chương trình diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân không chỉ nhằm trang bị kỹ năng thực hành xử lý sự cố, mà còn rèn luyện khả năng phối hợp, đánh giá tình huống và đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác trong những hoàn cảnh khẩn cấp. Đây là cơ hội để mỗi cá nhân tham gia xử lý sự cố củng cố năng lực, tăng cường sự tự tin và phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Hậu, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn tỉnh.
Theo quyết định số 3295/QĐ-UBND ngày 15-9-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc kiện toàn nhân sự Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp tỉnh. Trong đó, Sở KH-CN được giao nhiệm vụ thường trực. Quy trình ứng phó sự cố ban đầu cũng đã được Sở KH-CN định kỳ tổ chức các lớp tập huấn cho các lực lượng liên quan và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ, cũng như chuẩn bị lực lượng dự bị sẵn sàng ứng phó sự cố của UBND tỉnh không chỉ giúp tỉnh chủ động khắc phục được các sự cố bức xạ, hạt nhân không mong muốn xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà còn góp phần làm giảm thiểu ảnh hưởng của các sự cố đến sức khoẻ con người do bị chiếu xạ trong thời gian dài tiếp xúc với các sự cố mà không biết.