Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai có lợi thế trở thành trung tâm chế biến nông sản hiện đại

(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai có tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn trái lớn và đã hình thành được những vùng sản xuất, nguyên liệu lớn tạo lợi thế trong thu hút đầu tư chế biến. Tỉnh còn là thủ phủ chăn nuôi của cả nước theo hướng công nghiệp quy mô lớn đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tư theo chuỗi từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm…

Chế biến trái cây tươi tại Công ty CP công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP. Long Khánh)
Chế biến trái cây tươi tại Công ty CP công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP. Long Khánh)

Thế mạnh thu hút đầu tư trong chăn nuôi

Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước, nhất là phát triển chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Theo đó, từ rất sớm, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đầu tư chuỗi chăn nuôi hiện đại theo quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi đến chế biến, xuất khẩu.

Nhờ đó, Đồng Nai là thủ phủ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…

Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận xét, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay thu hút hầu hết các tập đoàn, DN lớn trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Vì áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nên ngay cả những DN chế biến vừa và nhỏ cũng quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đầu tư công nghệ, máy móc, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn để có chỗ đứng trên thị trường.

Trong lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi, tỉnh cũng là điểm hẹn thu hút các tập đoàn, DN đầu tư dự án lớn, công nghệ hiện đại đáp ứng tốt cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu, Công ty TNHH Koyu & Unitek tại TP.Biên Hòa là DN đi tiên phong xuất khẩu được sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Montri Suwanposri cho biết, C.P. Việt Nam đang xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu và tầm nhìn của C.P. Việt Nam là “Nhà bếp của thế giới” để lên kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh trong những năm tới.

Chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa)
Chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa)

Nhiều tiềm năng thu hút chế biến nông sản

Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh hiện khoảng gần 170 ngàn ha. Trong đó, diện tích cây ăn trái gần 77 ngàn ha. Tỉnh có một số loại cây ăn trái có quy mô, năng suất thuộc tốp đầu cả nước như: chuối hơn 14 ngàn ha, đứng đầu cả nước; xoài hơn 12 ngàn ha, đứng thứ 2 nước; bưởi 10,6 ngàn ha, đứng thứ 2 cả nước; sầu riêng gần 11,4 ngàn ha đứng thứ 4 cả nước…Trên địa bàn tỉnh đã hình nhiều nhiều vùng ăn quả chuyên canh tập trung, quy mô lớn như: Chuối tại H.Trảng Bom, Thống Nhất; sầu riêng tại H.Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, TP.Long Khánh; xoài tại H.Định Quán, Xuân Lộc; cây có múi trên địa bàn H.Vĩnh Cửu;…

Với lợi thế hình thành được những vùng nguyên liệu lớn về cây công nghiệp và cây ăn trái, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này. Tiêu biểu, trong lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan, hiện nay trên phạm vi cả nước có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 nghìn tấn/năm, thì chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.

Tỉnh Đồng Nai cũng rất quan tâm thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản, đặc biệt là chế biến trái cây nhằm giảm xuất khẩu thô để vừa có đầu ra bền vững hơn vừa tạo giá trị gia tăng cho nông sản. Các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm sẽ được tỉnh hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. ​

Ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP. Long Khánh) cho biết, DN đã đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch. Lí do DN đặt trụ sở công ty tại TP.HCM và đầu tư nhà máy chế biến tại Đồng Nai vì khu vực này có lợi thế về vị trí địa lý, đặc biệt hiện nay đây là trung tâm kết nối các tuyến đường cao tốc từ các tỉnh miền Tây đến với các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây nguyên…

Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ).
Song Lê

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang