(CTT-Đồng Nai) - Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp từ đầu năm 2025 đến nay đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3021/UBND ngày 25-3, yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi.

Phun thuốc sát khuẩn xe ra vào khu vực chuồng nuôi để phòng chống dịch
Phun thuốc sát khuẩn xe ra vào khu vực chuồng nuôi để phòng chống dịch
Xuất hiện nhiều ổ dịch
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Đến nay, đã ghi nhận nhiều ổ dịch nguy hiểm như Cúm gia cầm A/H5N1, Dịch tả heo châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục và bệnh Dại. Đặc biệt, bệnh Dại đã gây ra 19 ca tử vong ở người. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan là rất cao do nhiều yếu tố như mầm bệnh còn tồn tại rộng rãi, chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến và tỷ lệ tiêm phòng thấp.
Tại Đồng Nai, đã xảy ra 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại Trảng Bom và Vĩnh Cửu, dẫn đến việc tiêu hủy 37 con heo. Bệnh dại cũng diễn biến phức tạp với 6 ca bệnh ở chó tại Phước Bình, Phước Thái, Bàu Cạn (Long Thành) và Nhân Nghĩa (Cẩm Mỹ), buộc tiêu hủy 6 con chó. Đáng chú ý, đã có 2 trường hợp tử vong ở người do bệnh dại tại huyện Long Thành.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi vẫn duy trì ở mức cao sau Tết Nguyên đán 2025 do nguồn cung thịt heo trên thị trường hiện tại giảm. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh như: dịch hô hấp cấp, tiêu chảy cấp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều trại nuôi, khiến họ không có heo để xuất bán.
Xem trọng phòng dịch
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị đang tập trung thực hiện kế hoạch tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp phòng dịch; Sở đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine và thiết bị để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp cụ thể được triển khai bao gồm: Chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện và các khu vực có nguy cơ cao, nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới xuất hiện. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh nhằm tạo ra các khu vực chăn nuôi an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Báo cáo kịp thời và chính xác tình hình dịch bệnh và kết quả tiêm phòng trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Sở Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai một loạt các biện pháp để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các biện pháp bao gồm việc phối hợp với các địa phương để phát động tháng tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo và tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2025; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường quản lý kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan trong công tác truyền thông về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tiêm vắc-xin và xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.