(CTT-Đồng Nai) - Ngay từ đầu năm 2025, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã có những diễn biến bất thường, với nhiều đợt mưa trái mùa lớn và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và cây trồng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do biến đổi khí hậu, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn và thiên tai, đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Vườn hồ tiêu tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ bị giảm năng suất từ 20-30% so với mọi năm vì thời tiết thất thường
Vườn hồ tiêu tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ bị giảm năng suất từ 20-30% so với mọi năm vì thời tiết thất thường
Theo dự báo, tình hình thời tiết và thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Nhận thức được điều này, người nông dân cần chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra.
Biến động thời tiết bất lợi cho cây trồng
Thời tiết biến động bất thường đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và mùa vụ của cây trồng, đặc biệt là những loại cây nhạy cảm với thời tiết như hồ tiêu, điều, xoài và các loại cây ăn trái khác. Từ trước Tết Nguyên đán 2025 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, với nhiều đợt mưa trái mùa lớn xảy ra vào thời điểm khi nhiều loại cây trồng đang trong giai đoạn ra hoa và kết trái. Điều này đã gây ra những thiệt hại đáng kể về năng suất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.
Theo thông tin từ nông dân trồng điều tại Đồng Nai, cây điều là một loại cây rất nhạy cảm với thời tiết. Đặc biệt, trong giai đoạn ra hoa và kết trái, nếu gặp phải mưa trái mùa, cây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Mưa trái mùa làm cho hoa và trái non của cây điều bị rụng, dẫn đến giảm năng suất. Thời tiết ẩm do mưa tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, gây hại cho cây điều. Hậu quả của tình trạng này khiến vụ thu hoạch điều năm 2025 bị trễ hơn khoảng 1 tháng so với mọi năm, nhiều vườn điều bị giảm năng suất từ 20-30%. Dự báo nguồn cung hạt điều trên thị trường thế giới năm 2025 sẽ giảm do nhiều nước cũng bị mất mùa vì thời tiết bất lợi, đặc biệt là do khô hạn. Tình hình này cho thấy biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các loại cây trồng nhạy cảm với thời tiết như cây điều.
Đây cũng là khó khăn của nông dân trồng tiêu tại các địa phương của tỉnh. Theo ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của tỉnh nhận xét, mưa trái mùa, thời tiết biến động bất thường khiến đa số các nhà vườn trồng tiêu bị giảm năng suất từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồ tiêu cũng ra hoa, kết trái 2 đợt nên nông dân cùng gặp khó khăn hơn trong tổ chức thu hoạch.
Đồng Nai là một trong những vùng trồng cây ăn trái lớn của cả nước, với các loại cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bơ… tập trung thu hoạch vào mùa hè. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho người nông dân trong việc chăm sóc cây ăn trái. Mưa nắng bất thường ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, kết quả của cây, làm giảm năng suất và chất lượng trái. Bên cạnh đó tình hình sâu bệnh cũng diễn biến phức tạp hơn, gây khó khăn cho việc kiểm soát và phòng trừ. Đặc biệt với cây sầu riêng là một trong những cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc. Sau Tết Nguyên đán 2025, thời tiết xuất hiện mưa trái mùa lớn khi cây trồng này đang đợt ra hoa, kết quả. Nhiều nhà vườn phải xử lý phân, thuốc để cây cho ra đợt hoa mới. Có nhà vườn phải xử lý đến đợt thứ 3, lượng trái đậu mới đạt. Ngoài nỗi lo năng suất sầu riêng sẽ giảm, điều nông dân trồng sầu riêng lo lắng hơn là cây trồng này sẽ vào vụ trễ hơn từ 2-3 tháng so với mọi năm. Bình thường mọi năm, thu hoạch sầu riêng chính vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập trung từ tháng 5 đến tháng 7. Nhưng năm nay do trễ vụ, sầu riêng rộ vụ thu hoạch vào các tháng 8, tháng 9 khi mùa mưa vào cao điểm, rủi ro tỷ lệ trái bị sâu bệnh, hư hao nhiều, mẫu mã trái không đạt chuẩn bán hàng xuất khẩu thường thấp hơn nhiều so với hàng đạt chuẩn.
Tìm giải pháp giảm tác hại của biến đổi khí hậu
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu ra hoa, đậu trái của một số chủng loại cây trồng vào mùa khô như làm rụng, hư hại hoa dẫn đến ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Những cơn mưa trái mùa có lượng mưa lớn có thể làm ngập úng, cuốn trôi các loại hoa màu. Dự báo thời tiết năm 2025, nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy dự báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó, dự báo vào mùa mưa, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và bão lớn có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Trước những dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh đã chủ động ban hành công văn chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Công văn này yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động theo dõi, dự báo chuyên ngành về tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn; Kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả. Mục tiêu là giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn và nâng cao khả năng trữ nước của các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng sớm ban hành các văn bản cảnh báo, yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động kế hoạch sản xuất, theo dõi, hướng dẫn người dân trong việc gieo trồng và chăm sóc vụ đông xuân 2024-2025 gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô.