(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai đang xây dựng những sản phẩm du lịch canh nông nhằm nâng tầm giá trị nông sản, góp phần phát triển du lịch, nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.

Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại huyện Xuân Lộc.
Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại huyện Xuân Lộc.
Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, chính quyền địa phương, người nông dân đã xây dựng được những sản phẩm du lịch mang nét riêng từng vùng miền. Các sản phẩm du lịch đã có những kết quả đáng ghi nhận, tạo được sự ấn tượng trong lòng du khách.
Làng bưởi Tân Triều lâu nay được biết đến là vùng chuyên canh cây bưởi đường lá cam với tên gọi bưởi Tân Triều được người dân, du khách khắp nơi biết đến là đặc sản chỉ Tân Triều mới có, cùng với đó là điểm du lịch nổi tiếng Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ được du khách trong và ngoài nước biết đến. Thế nhưng, ngoài lão nông Năm Huệ, chủ nhân điểm đến Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ thì chưa có thêm hộ nông dân nào khai thác du lịch tại vườn bưởi của gia đình như ông Năm Huệ.
Tuy nhiên, với những lợi thế là vùng chuyên canh cây đặc sản, cùng hạ tầng giao thông nông thôn hoàn chỉnh, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã quyết tâm biến nơi đây thành vùng quê đáng sống hơn với chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch canh nông tiêu biểu của tỉnh, kết nối các nhà vườn thành chuỗi điểm đến du lịch với những nét đặc trưng riêng.
Tại huyện Xuân Lộc, điểm đến Nông trại trái cây - Fruit Farm tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc của nông dân Văn Thành Toàn đang trở thành sân chơi bổ ích cho các lứa tuổi học sinh. Ông Văn Thành Toàn cho biết, năm 2023, ông đã phối hợp cùng Công ty TNHH du lịch Thái Loan (thành phố Biên Hòa) xây dựng vườn hoa của gia đình trở thành điểm đến trải nghiệm cho các lứa tuổi học sinh, sinh viên và các đối tượng khách du lịch. Sau 1 năm đi vào hoạt động, điểm đến nông trại đã đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách. Khách đến nông trại sẽ được học tập các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, trải nghiệm bắt cá, trồng cây, tắm mưa…Với diện tích trên 2 hécta, Nông trại cây có khả năng đón tiếp cả ngàn người với các trò chơi dân gian thú vị.
Tại huyện Định Quán, nhiều nhà nông đã tận dụng vườn kém năng suất trở thành điểm kinh doanh nước, điểm check in ven hồ Trị An lý tưởng. Các điểm đến như: Lưng chừng mây, Tropical Eglaming, Panorama Glamping, Trị An Rived, Seasons Glamping, La Ngà FISH HILL…đang được du khách yêu thích và tìm đến.
Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Theo kế hoạch, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch, đặc biệt là do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi thông qua hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn; phát triển du lịch nông thôn gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp, môi trường sinh thái.
Với mục tiêu tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch; hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ. Tăng cường liên kết ngành du lịch và nông nghiệp, hình thành chuỗi dịch vụ du lịch có giá trị gia tăng cao, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của tiềm năng nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của UBND tỉnh đã bước đầu hình thành những sản phẩm.
Các địa phương đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thêm sản phẩm, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, du lịch nông nghiệp Đồng Nai phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh. Có ít nhất từ 1-3 điểm được công nhận điểm du lịch nông thôn tại các địa phương. 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số. Đến năm 2025, phải có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn của tỉnh được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá và 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng một số sản phẩm du lịch nông thôn, trong đó có sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại Làng bưởi Tân Triều. Ngoài ra, tại các địa phương khác, Sở cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương phát triển du lịch dựa trên những kết quả từ xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, tại các chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch Đồng Nai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn ưu tiên lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn. Đẩy mạnh quảng bá các điểm du lịch nông thôn của tỉnh Đồng Nai tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Sở đang xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh.