(CTT-Đồng Nai) - Người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) cũng có nhu cầu lao động. Tuy nhiên trong quan hệ lao động, người chưa thành niên nhận thức còn hạn chế, dễ bị lạm dụng nên cần được pháp luật bảo vệ.

Đoàn Luật sư tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành)
“Lách" giao kết hợp đồng lao động dài hạn
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động (NLĐ) còn chưa thành niên, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã căn cứ vào các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn để tiến hành giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng lời nói đối với HĐLĐ có thời hạn dưới một tháng trong nhiều năm.
Trường hợp của em D. (17 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bom) cho biết, do em còn chưa thành niên nên NSDLĐ chỉ HĐLĐ bằng lời nói khi nhận em vào làm công việc bán hàng theo dạng thời vụ (chỉ làm 15-20 ngày/tháng rồi nghỉ, khi có công việc cần thì giao kết HĐLĐ mới). Trong suốt từ năm 2023 đến nay, em đã giao kết HĐLĐ dưới một tháng như vậy trên 12 lần và em chỉ được NSDLĐ trả tiền công, không có các khoản gì khác.
Còn trường hợp của em N. (16 tuổi, ở thành phố Biên Hòa) cho hay, bản thân em và cha mẹ không nắm vững các quy định pháp luật về lao động đối với lao động chưa thành niên nên khi xin vào làm việc cho một đơn vị sản xuất gỗ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, em chỉ được hợp đồng bằng lời nói với thời hạn của hợp đồng làm việc dưới một tháng. Sau khi kết thúc hợp đồng lần đầu tiên (chỉ làm việc 16-18 ngày), em nghỉ làm vài ngày, chờ qua tháng khác (ngày đầu tháng) thì quay trở lại làm việc và tiếp tục. Cứ vậy, đến nay em đã 17 tuổi, vẫn chưa được ký HĐLĐ bằng văn bản (dạng xác định thời hạn) để được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi như các lao động từ đủ 18 tuổi trở lên như: bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), ngày nghỉ hàng năm…
Quan điểm trái nhau
Trước vấn đề của 2 em N. và D., theo một số chuyên gia pháp lý, hiện có 2 quan điểm giải thích trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, giao kết HĐLĐ dưới một tháng và bằng lời nói cũng không được phép giao kết quá 2 lần. Lần thứ 3 bắt buộc NSDLĐ phải thực hiện giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn theo Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, căn cứ vào Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Lao động thì các em vẫn được hưởng trợ cấp mất việc làm và thôi việc nếu thực tế làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên.
Trong khi quan điểm thứ 2 thì ngược lại, NSDLĐ thực hiện các quy định khi giao kết HĐLĐ đối với NLĐ chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn; đồng thời, giữa em N. và NSDLĐ thực hiện việc chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 như: đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ; hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; đảm bảo thời gian báo trước ít nhất 3 ngày làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Cụ thể, em N. làm việc 16-18 ngày trong tháng, rồi chấm dứt HĐLĐ. Qua tháng sau, em quay lại làm việc và giao kết HĐLĐ mới dưới một tháng và cứ vậy trong nhiều năm nên trường hợp các em không được điều chỉnh bởi Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019. Cũng chính vì vậy, HĐLĐ có thời hạn dưới một tháng của em dù được ký nhiều lần cũng không phạm luật, hoặc luật bắt buộc phải chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Bên cạnh đó, 2 em N. và D. không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc và không thuộc đối tượng quy định tại Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019, tức là không thuộc đối tượng làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho NSDLĐ. Do đó, các em không được thụ hưởng các chính sách trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo quy định. Bởi quan điểm này lý giải, do các em chỉ giao kết HĐLĐ dưới một tháng rồi nghỉ việc nên mỗi lần quay lại làm việc được hiểu là giao kết HĐLĐ bằng lời nói dưới một tháng lại từ đầu.