(CTT - Đồng Nai) - Theo quy định của pháp luật, hiện nay việc chiếm đoạt tài sản của đơn vị, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước bị xử lý về tội tham ô tài sản. Điều này nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, văn minh.
Tham ô tài sản trong doanh nghiệp
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra một số trường hợp cá nhân thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty tư nhân và bị truy tố về tội tham ô tài sản. Đơn cử như Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Biên Hòa vừa truy tố một bị can ở huyện Trảng Bom về tội tham ô tài sản.

Cơ quan công an thi hành các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam một một bị can về tội tham ô tài sản ở một doanh nghiệp
Cơ quan công an thi hành các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam một một bị can về tội tham ô tài sản ở một doanh nghiệp
Cáo trạng của VKSND thành phố Biên Hòa xác định, ông này là nhân viên phát triển thị trường (nhân viên giao hàng) của công ty ở thành phố Biên Hòa. Nhiệm vụ là nhận hàng từ bưu cục để giao hàng cho khách và thu tiền đơn hàng từ khách (tiền COD), quản lý số tiền đó và nộp về bưu cục trước 21h hàng ngày. Tuy nhiên, ông đã đã thu hộ của khách hàng hơn 34 triệu đồng nhưng không nộp hết số tiền trên về bưu cục theo quy định mà chiếm đoạt gần 25 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.
Ngoài ra có những trường hợp một số nhân viên cấu kết với nhau chiếm đoạt tài sản của công ty đem đi bán và bị truy tố về tội tham ô tài sản.
Tình trạng tham nhũng trong khu vực tư nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và nền kinh tế. Tác động của tham nhũng trong khu vực tư bao gồm: gây ra tình trạng kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất của các hoạt động giao dịch kinh tế, gây thiệt hại kinh tế, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm
Theo TAND tối cao, liên quan đến công tác xét xử án kinh tế, tham nhũng, chức vụ (các tội như: tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…), trong năm 2024, TAND các cấp đã tiến hành xét xử sơ thẩm hơn 4,8 ngàn vụ/hơn 10 ngàn bị cáo trong tổng số thụ lý hơn 5,5 ngàn vụ/gần 13 ngàn bị cáo (tăng hơn 1,6 ngàn vụ/gần 4 ngàn bị cáo đã xét xử năm 2023).
Theo Thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thời gian qua, tình trạng tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước chủ yếu liên quan đến các hành vi như: lập chứng từ khống, nhân viên công ty thông đồng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền, hàng hóa của công ty… Để xảy ra thực trạng tham ô tài sản trong các công ty chủ yếu là do công tác quản lý, kiểm soát nội bộ đơn vị còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, chưa phát huy hết hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý gian lận, sai sót trong quá trình làm việc. Đa số các vụ việc khi phát hiện đều đã xảy ra trong một thời gian dài và số tiền chiếm đoạt trong một số vụ tương đối lớn.
Để ngăn chặn hành vi tham nhũng trong các khu vực ngoài Nhà nước, các tổ chức, đơn vị cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, minh bạch; xây dựng nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật để kịp thời phát hiện sai phạm, sớm chấn chỉnh và xử lý nghiêm hòng không để sai phạm kéo dài làm thất thoát, chiếm đoạt nhiều tài sản, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.