Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần chú trọng về an toàn toàn thực phẩm trước khi dùng

(CTT-Đồng Nai) - Thực phẩm handmade (nhà làm) đang được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) của thực phẩm handmade còn bỏ ngỏ vì không được kiểm soát.

Các món ăn “handmade” được giới thiệu khá phổ biến trên các trang mạng xã hội
Các món ăn “handmade” được giới thiệu khá phổ biến trên các trang mạng xã hội

Có sạch sẽ, an toàn như quảng cáo?

Một trong những lý do người tiêu dùng ưa chuộng các loại thực phẩm được gắn mác handmade vì nghĩ rằng thực phẩm này được chế biến sạch sẽ, an toàn. Chính vì vậy, nhiều trang mạng xã hội rao bán các loại thực phẩm handmade được nhiều người theo dõi, mua sắm. Chẳng hạn, tài khoản Facebook Thực phẩm Tết nhà mẹ - TH Handmade shop rao bán rất nhiều loại thực phẩm như: chả bò, gân bò trộn cóc non, tai heo ngâm chua ngọt, mực xé sợi hấp nước dừa, củ kiệu ngâm chua ngọt, giò bê…

Một số người tiêu dùng cho biết, tin tưởng và tiêu dùng loại thực phẩm handmade bởi các ưu điểm như: làm số lượng ít nên nguồn gốc nguyên liệu có sự tuyển chọn; cách làm thủ công; dùng liền trong ngày hay thời gian rất ngắn nên không sử dụng các phụ gia bảo quản…

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng cũng thừa nhận chỉ biết là khi nhận thực phẩm handmade đảm bảo tươi, ngon, sạch, đẹp. Còn quá trình chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không thì không thể biết được, vì không nhìn thấy hay tới nhà họ kiểm tra, quan sát.
Chị Ngọc Phượng (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, chị chuộng loại thực phẩm handmade vì tin tưởng vào quá trình chế biến, cũng như nguồn gốc các loại nguyên liệu được sử dụng. Tuy nhiên, khi nói về chất lượng an toàn của thực phẩm handmade, chị cũng thừa nhận, chủ yếu là tin vào người rao, bán hoặc qua người quen giới thiệu là chính.

Trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều quy định pháp luật để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng như: Luật ATTP sửa đổi năm 2018 và nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn. Theo đó, các quy định pháp luật đều hướng tới việc sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm ra thị trường, cho người tiêu dùng phải đảm bảo về nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe… theo quy chuẩn kỹ thuật từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến, bảo quản, vận chuyển.

Tuy nhiên, với thực phẩm handmade dưới dạng hàng rong, chế biến gia đình thì pháp luật không đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định như các cơ sở, nhà máy chế biến về giấy phép, quy trình, thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm.

ATTP cũng cần chú trọng

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, người bán thực phẩm handmade hay hàng rong không cần phải đăng ký kinh doanh, cũng như không cần phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy vậy, hàng hóa họ bán, cung cấp phải không thuộc hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; không phải là hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh…

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, tại Điều 14 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi: nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Đặc biệt, tại khoản 7, Điều 1 Nghị định 12/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi: người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lị, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.

“Thực phẩm handmade nếu gia đình tự làm và sử dụng thì tương đối an toàn, vì kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi sản phẩm handmade đem bán cho người tiêu dùng thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng cần chú trọng và kiểm soát ATTP, chứ chữ tín thôi chưa đủ” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Đoàn Luật sư tỉnh) bộc bạch.
Nhân Thái

Hội đồng nhân dân

The Web application at http://dongnai.gov.vn could not be found. Verify that you have typed the URL correctly. If the URL should be serving existing content, the system administrator may need to add a new request URL mapping to the intended application.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang