Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn nhiều hạn chế

(CTT-Đồng Nai) - Nông sản hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt giá trị hơn 62 tỷ USD vào năm 2024. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất, chế biến nông sản và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều thách thức. Đồng Nai là tỉnh có nhiều sản phẩm cũng như doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản.

Các doanh nghiệp giới thiệu trái cây tại Triển lãm quốc tế về Công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa quả Việt Nam
Các doanh nghiệp giới thiệu trái cây tại Triển lãm quốc tế về Công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa quả Việt Nam

Theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần giải quyết các rào cản từ yếu tố bên ngoài đến các vấn đề nội tại như quản trị nhân lực, năng lực tài chính và quản lý sản xuất, kinh doanh.

Một số thông tin nhiều doanh nghiệp cần nắm biết

Tại Đồng Nai, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh đã gần chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu nông sản có thể vượt 3 tỷ USD nếu các nhà vườn kết nối tốt với DN để xuất khẩu nông sản tươi và nông sản chế biến, cũng như tận dụng cơ hội từ thị trường. Theo các nhà xuất khẩu nông sản trong tỉnh, DN đang gặp phải vướng mắc về chi phí vận tải, logistics, công nghệ bảo quản trong quá trình sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ DN ở Đồng Nai mà DN nhỏ và vừa tại Việt Nam đang thiếu các chứng nhận tiêu chuẩn để xuất khẩu, thiếu kỹ năng quản trị nhân lực, tài chính, tiếp thị và bán hàng. Đồng thời, nhiều DN còn yếu trong xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, chưa hiểu về xu hướng của thị trường. Do đó, DN Việt thường gặp khó khăn trong chọn thị trường xuất khẩu.

Ngoài nỗ lực của các DN, việc định hướng thị trường và điều tiết sản xuất của Nhà nước đóng vai trò then chốt trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Đồng thời, cần tăng cường liên kết ngành nghề, khu vực và địa phương để hướng tới sản xuất bền vững.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khâu sơ chế và bảo quản chưa tốt, đặc biệt là xử lý sau thu hoạch.

Các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand đều có yêu cầu khắt khe về đánh giá rủi ro mở cửa thị trường và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước ASEAN có chủng loại trái cây tương đồng, cả ở thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Cần tận dụng các lợi thế

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho hay, năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, xuất khẩu nông sản vẫn vượt 62 tỷ USD. Ngành đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Các chuyên gia khuyến nghị DN nên tập trung vào việc khai thác tối đa nguồn tài nguyên địa phương, đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến theo hướng phát triển bền vững. Điều quan trọng là phải phát huy những lợi thế đặc thù của từng vùng miền, đồng thời nắm bắt sâu sắc thị trường quốc tế, thường xuyên cập nhật xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và triển khai mô hình bán hàng đa kênh. Việc này giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và mở rộng cơ hội hợp tác tiềm năng.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, nhấn mạnh các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là "chìa khóa" giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), khuyến nghị các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để hưởng ưu đãi thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chủ động mở rộng sang các thị trường mới, giàu tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông và châu Phi.

Bảo Nguyên

Hội đồng nhân dân

The Web application at http://dongnai.gov.vn could not be found. Verify that you have typed the URL correctly. If the URL should be serving existing content, the system administrator may need to add a new request URL mapping to the intended application.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang