(CTT-Đồng Nai) - Việc để xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã gây ra nhiều hệ lụy và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, vì vậy phải được quan tâm đến an toàn lao động.

Hiện trường vụ tai nạn lao động nổ lò hơi tại Công ty Sản xuất gỗ vào năm 2024 ở huyện Vĩnh Cửu
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất đa dạng. Chính vì thế việc đảm bảo an toàn để hạn chế tối đa TNLĐ. Theo thống kê, đa số các vụ TNLĐ là do người sử dụng lao động chưa quan tâm chú ý thực hiện quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro; một số người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc còn chủ quan trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công việc… Điển hình như vụ việc nổ lò hơi tại công ty sản xuất gỗ ở huyện Vĩnh Cửu năm vừa qua, hay mới đây ở một công ty tại huyện Nhơn Trạch cũng bị xử lý vì tình trạng để xảy ra TNLĐ.
Việc để xảy ra TNLĐ đã lại rất nhiều hệ lụy nặng nề như: có thể khiến người trong cuộc bị tàn tật, mất khả năng lao động hoặc mất mạng; khiến cho người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc tốn kém nhiều chi phí và ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Nguyên nhân để xảy ra TNLĐ chủ yếu do sự chủ quan trong quá trình làm việc, không thực hiện đúng quy trình, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động… Đa số người lao động chưa được đào tạo kỹ về an toàn lao động nghề nghiệp và ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động chưa tốt; nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác này. Trong khi đó, người sử dụng lao động cho rằng, công tác đầu tư về an toàn lao động cần chi phí cao nên việc thực hiện thường mang tính hình thức, đối phó. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận đã lơ là trong vấn đề đảm bảo an toàn lao động, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Do đó, theo cơ quan chức năng, bản thân mỗi người lao động, chủ sử dụng lao động phải luôn cẩn trọng trong mọi hoạt động, các khâu sản xuất, kinh doanh; nâng cao ý thức tuân thủ quy trình an toàn lao động bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các khóa huấn luyện và thường xuyên kiểm tra quy trình an toàn lao động tại cơ sở…
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ; chủ động kiểm soát, phòng ngừa TNLĐ và tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động nhằm góp phần giảm thiểu TNLĐ thương tâm, tạo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.